Gamuda Land Việt Nam: Đồng hành cùng Thủ đô phát triển

Anh Quý thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 10 năm có mặt tại Việt Nam, Tập đoàn Gamuda (Malaysia) đã biến cụm hồ nước thải Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai trở thành công viên và đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Thủ đô.

Gamuda Land Việt Nam: Đồng hành cùng Thủ đô phát triển - Ảnh 1Đó là những hạng mục đầu tiên trong tiến trình đầu tư của Công ty tại Hà Nội, là tiền đề cho việc phát triển Gamuda City trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, phục vụ Nhân dân Thủ đô. Đây là những chia sẻ của ông Dennis Ng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại buổi tổng kết Tháng hành động vì trẻ em của quận Hoàng Mai năm 2016 mới đây do Gamuda là đơn vị tài trợ.

“Lá phổi xanh” của Hà Nội

Là chủ đầu tư của một công viên lớn - Công viên Yên Sở, lẽ thường đơn vị phải đẩy nhanh hoàn thành để khai thác…, song thực tế lại không phải vậy. Xin ông lý giải điều này và cho biết Tập đoàn đã hoạt động như thế nào trong thời gian qua?

- Công viên Yên Sở chỉ là một phần trong Quy hoạch tổng thể Gamuda City và bao gồm một tổ hợp các hạng mục đầu tư khác. Xin được giới thiệu rõ hơn: Thành lập vào năm 2007, Gamuda Land Việt Nam thuộc Gamuda Berhad - Tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu tại Malaysia, được TP Hà Nội giao dự án (DA) xây dựng Gamuda City - TP mới trải rộng trên 500ha tại quận Hoàng Mai để quy hoạch đầu tư phát triển, bao gồm 4 phân khu chính, có 2 khu đô thị khép kín là Gamuda Gardens & Gamuda Lakes với Trung tâm thương mại sầm uất Gamuda Central và Công viên Yên Sở rộng nhất Hà Nội. Trong thời gian qua, Gamuda mất 4 năm xây dựng, hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày, đêm, có khả năng xử lý một nửa lượng nước thải hàng ngày của toàn TP. Tổng vốn đầu tư của DA ước tính 250 triệu USD, chất lượng nước sau khi xử lý đạt loại A, Quy chuẩn Việt Nam. Tháng 8/2014, Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam đã chuyển giao Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở cho Sở TN&MT Hà Nội. Nhà máy được vận hành đã giúp xử lý nguồn nước thải từ sông Sét và sông Kim Ngưu, làm sạch cụm hồ Công viên Yên Sở, tạo nên “lá phổi xanh” của TP Hà Nội, đem lại môi trường sống tốt lành hơn cho cư dân tại khu vực và xung quanh. Có thể nói đây là việc đầu tiên và cơ bản, quyết định những bước tiếp theo của DA, và cũng là những hạng mục có ý nghĩa quan trọng, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân Hà Nội. Kể từ năm 2012, các hạng mục khác của DA theo Quy hoạch cũng tiếp tục được triển khai.

Phục vụ cộng đồng - mục tiêu phát triển

Xin ông nói rõ hơn những việc Gamuda đã và đang triển khai?

- Tính đến thời điểm hiện tại, Gamuda đã hoàn thành nhiều hạng mục đầu tư bao gồm di dời hệ thống đường điện cao thế ra khỏi Công viên, quy hoạch và cải tạo cảnh quan, cây xanh, đường dạo, nạo vét hồ, xây dựng các hạng mục dịch vụ và hạ tầng bao gồm Làng truyền thống, nhà Văn hóa, Nhà thuyền, cầu Son, hệ thống điện chiếu sáng và các hạng mục hạ tầng phục vụ việc vận hành. Quan điểm của Gamuda là lấy phục vụ cộng đồng làm mục tiêu phát triển. Đơn cử, khi hoàn thành các hạng mục trên, từ tháng 4/2014, Công viên được chính thức mở cửa phục vụ người dân Thủ đô, là điểm đến của các sự kiện, hoạt động văn hóa, giải trí, các hoạt động cộng đồng và DN, thu hút hàng nghìn khách mỗi ngày… Mới đây, ngày 26 - 27/8, Tập đoàn đã tài trợ Lễ tổng kết Tháng hành động vì trẻ em và hoạt động Hè thiếu nhi quận Hoàng Mai năm 2016 do UBND quận tổ chức, thu hút gần 1.000 học sinh, phụ huynh tham gia. Trước đó, ngày 6/12/2015, Công ty Gamuda Land Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhịp tim Việt Nam tổ chức Ngày hội từ thiện Gamuda Land: “Chạy vì trái tim 2015” tại Công viên Yên Sở để gây quỹ mổ tim cho những trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh trên khắp cả nước, thu hút khoảng 10.000 người tham gia, kỳ vọng gây quỹ gần 1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để phát huy tiềm năng của Công viên Yên Sở và đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, thương mại cho du khách, thời gian qua, Gamuda tích cực đẩy mạnh đầu tư các hạng mục liên quan. Dự kiến, tháng 12/2016 sẽ đưa Trung tâm thương mại LePARC vào hoạt động. Đây là hạng mục quan trọng, thực hiện mục tiêu đưa Gamuda City trở thành điểm đến giao thương và văn hóa cửa ngõ phía Nam TP. Tổng cộng tính đến nay, Gamuda đã đầu tư vào các hạng mục, DA ước khoảng 400 triệu USD.

 Đó là bước đầu trong lộ trình 5 giai đoạn của Gamuda Land đặt ra. Thời gian tới, chúng tôi sẽ gấp rút triển khai lần lượt 4 giai đoạn còn lại, bao gồm các công trình: MegaMall, Khu dân cư cao cấp, các tòa nhà văn phòng và khách sạn, tổ hợp tiện ích 5 sao, để phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô và góp phần vào sự phát triển của TP.

Chính sách “khôn ngoan” của chính quyền thành phố

Là tập đoàn xuyên quốc gia, ông tâm đắc điều gì nhất khi đầu tư tại Hà Nội?

- Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam, cổ kính, có hơn ngàn năm tuổi, con người thân thiện, cởi mở, an ninh xã hội ổn định, đây là những điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng việc chính quyền TP Hà Nội hiện nay có chủ trương ưu tiên quan tâm hàng đầu đầu tư nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân. Trong đó, từ nay đến năm 2020, TP Hà Nội trồng thêm 1 triệu cây xanh, phát triển hàng chục công viên, hồ nước; xử lý ô nhiễm môi trường toàn diện (không khí, nguồn nước, chất thải…). Đây thực sự là chính sách “khôn ngoan” của chính quyền TP để bảo đảm phát triển bền vững. Ngẫm lại, chúng tôi cũng có một chút tự hào, thời gian qua đã đầu tư đúng và trúng, đó là những hạng mục môi trường, góp phần vào chủ trương lâu dài của TP – là xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp, đồng thời tạo ra khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho Nhân dân Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!
Nhân dịp Trung thu năm 2016, hôm nay (10/9), Công ty Gamuda Land Việt Nam tổ chức Lễ hội Trăng lấp lánh - Ánh tình thân tại Trung tâm thương mại LePARC với nhiều hoạt động ý nghĩa như rước đèn ông sao, thả đèn hoa đăng, giao lưu cùng chị Hằng và chú Cuội, các trò chơi dân gian, các gian hàng thủ công và các tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Trong khuôn khổ chương trình, Gamuda trao tặng 140 suất quà cho trẻ em nghèo vượt khó của quận Hoàng Mai nhân dịp đầu năm học mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần