Gần 400 con gia súc bị chết do giá rét

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tin từ Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và Sơn La, tính đến chiều tối nay (25/1), chỉ riêng 4 tỉnh này đã có gần 400 con gia súc bị chết do giá rét.

Trong đó, tại Lào Cai, đến 16 giờ chiều 25/1 trên địa bàn tỉnh đã có 194 con đại gia súc (trâu, bò, ngựa) bị chết rét. Địa phương chịu thiệt hại nặng nhất là huyện Sa Pa với 80 con đại gia súc bị chết... Được biết, hầu hết số gia súc bị chết rét đều rơi vào những con già và con non dưới 1 tuổi (bê, nghé) vì sức đề kháng kém. Cụ thể số bê, nghé (dưới 1 tuổi) bị chết của toàn tỉnh là 120/194 con.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ngoài ra, khoảng 1.000ha rau màu của 57 xã thuộc 7 huyện, TP bị thiệt hại, trong đó 600ha rau, 120ha hoa và hơn 300ha cây dược liệu. Đặc biệt, khoảng 2.000ha cây thảo quả của người dân bị tuyết vùi lấp, nguy cơ mất trắng rất cao, cùng với đó khoảng 151.000ha rừng bị tuyết phủ trắng, sau khi tuyết tan thường có hiện tượng cháy lá và đây là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng lớn hàng năm trên địa bàn tỉnh. Tổng thiệt hại ước tính đến thời điểm này của tỉnh Lào Cai khoảng 30 tỷ đồng.

Tại tỉnh Sơn La, ông Lại Văn Minh – Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tại tỉnh cho biết, nhiệt độ đo được trên địa bàn tỉnh trong ngày 25/1 phổ biến từ 1 – 8 độ C, riêng Mộc Châu từ -1 đến – 3 độ C. Rét hại, băng giá xảy ra trên địa bàn đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống Nhân dân. Thống kê đến chiều qua, toàn tỉnh có 89 con gia súc bị chết rét. Ngoài ra có 9 xã thuộc các huyện Bắc Yên, Phù Yên và Thuận Châu phải ngừng cấp điện do mưa, tuyết rơi, đóng băng nên nhiều đoạn đường dây 35 KV bị đứt, gãy và đóng băng dầy làm bát sứ bị tắt nối.

Tại tỉnh Lai Châu, nhiệt độ ngày 25/1 phổ biến ở mức dưới 3 độ C, trong đó tại Sìn Hồ đã xuống -2,6 độ C, đã có hiện tượng băng giá. Tính đến chiều ngày hôm nay, toàn tỉnh đã có 46 con đại gia súc bị chết tại các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn. Nguyên nhân là người dân vẫn có tập quán chăn nuôi thả rông, một số hộ chưa kịp di chuyển đàn gia súc về chuồng dẫn tới bị chết rét.

Tại tỉnh Yên Bái, thông tin cập nhật đến sáng 25/1, toàn tỉnh đã có 36 con trâu, bò, dê bị chết do rét, tập trung chủ yếu tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Lục Yên. Ngoài ra tuyến Quốc lộ 32 từ Ngã ba Kim đi đỉnh đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải bị tuyết bao phủ dày 5cm, ảnh hưởng tới giao thông. Đáng chú ý, tại các xã khu II Mù Cang Chải, mưa tuyết đã vùi lấp toàn bộ diện tích hoa màu của Nhân dân, mặt ruộng đang có hiện tượng đóng băng. Hiện Ban Chỉ huy Phòng chống tai các huyện và các cơ quan chuyên môn vẫn tiếp tục xuống cơ sở vận động, hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, đảm bảo chống rét cho gia súc.

Ngoài ra tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh cũng ghi nhận gia súc bị chết rét. Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, Cục đã có khuyến cáo hướng dẫn người dân rất cụ thể và chi tiết công tác phòng chống rét cho trâu bò. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chủ quan, thả rông trâu, bò trong đó những con trâu, bò già yếu, sức đề kháng kém khi gặp giá rét mới bị chết.

Trong khi đó, tin từ Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai T.Ư, hiện nay (25/1), do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh nên ở các tỉnh miền Bắc đã xảy ra rét hại trên diện rộng, ở vùng núi cao đã có băng giá và mưa tuyết. Khu vực Bắc Biển Đông đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 8, giật cấp 9 – 10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8 – 9. Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh nên các tỉnh miền Bắc tiếp tục duy trì rét đậm, rét hại trên diện rộng từ nay đến hết ngày 27/1, vùng núi có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.