Gần 4,7 tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2016 - 2017

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/2, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) có báo cáo tổng kết công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2016 - 2017 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ.

 Để bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ canh tác tổng diện tích 620.748ha lúa, Tổng cục Thủy lợi đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 12 địa phương, thống nhất kế hoạch điều tiết bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện làm 3 đợt (thời gian tổng cộng 18 ngày). Thực tế, do tiến độ lấy nước tiến hành nhanh hơn dự kiến nên thời gian lấy nước được rút ngắn 4,5 ngày. Sau 3 đợt lấy nước, tổng lưu lượng xả từ các hồ chứa thủy điện đạt 4,67 tỷ m3. Tính đến 27/2, diện tích canh tác lúa vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã có nước đạt trên 99,3%; chỉ còn một phần diện tích thuộc tỉnh Bắc Giang và TP Hà Nội đang tiếp tục được cấp nước từ hồ chứa thủy lợi và trạm bơm dã chiến.

 Vận hành lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2016 - 2017 tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây)

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2016 - 2017 vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Đơn cử như tập quán làm đất khác nhau dẫn đến nhu cầu nước giữa các đại phương không thống nhất thời gian (vùng ven biển làm đất sớm, vùng trung du làm đất muộn), dẫn đến phải kéo dài thời gian lấy nước. Thời gian lấy nước đợt 1 phù hợp với các tỉnh ven biển nhưng các địa phương vùng trung du chưa có nhu cầu lấy nước cao, dẫn đến tiến độ lấy nước giữa các địa phương không đồng đều. Hiện tượng xói mòn lòng sông vẫn tiếp diễn dẫn đến mực nước hạ du sông Hồng (đặc biệt thượng lưu các cửa lấy nước của một số hệ thống công trình thủy lợi) bị hạ thấp, gây khó khăn cho việc lấy nước. Để khắc phục khó khăn, tồn tại trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương nghiên cứu giải pháp, vận động người dân thay đổi tập quán làm đất sớm, tạo điều kiện rút ngắn thời gian lấy nước. Tổng hợp kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu “Dự báo xu thế biến đổi hạ thấp lòng dẫn và đề xuất giải pháp khắc phục, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi trên hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình” để đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục việc hạ thấp lòng dẫn sông Hồng. Phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân (bắt đầu từ năm 2007), nhằm lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, từ đó đề ra phương án lấy nước tối ưu nhất. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần