Hà Nội gắn biển công trình tu bổ, tôn tạo đình Nam Hương

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/7, nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Hoàn Kiếm lần thứ XXVI, Ban Quản lý phố cổ tổ chức Lễ gắn biểu công trình tu bổ, tôn tạo đình Nam Hương.

Nằm trong quần thể di tích xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đình Nam Hương là công trình có ý nghĩa lịch sử nổi trội. Đình được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa ngày 16/1/1995.
Quang cảnh đình Nam Hương. Ảnh: Lại Tấn.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: Trong những năm vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Hoàn Kiếm luôn chú trọng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch. Xác định vị trí đặc biệt quan trọng của đình Nam Hương nằm sát quần thể di tích đền vua Lê, trong khu vực hồ Hoàn Kiếm - di tích cấp quốc gia đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã tập trung nguồn lực để lấy lại khuôn viên vốn có của ngôi đình và đầu tư tu bổ, tôn tạo công trình.
“Ngôi đình được trùng tu, tôn tạo nhằm lưu giữ di sản cho thế hệ mai sau, góp phần giáo dục cho mọi tầng lớp Nhân dân về những giá trị văn hóa, lịch sử; đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân; đồng thời trở thành điểm tham quan, giới thiệu với du khách khi đến Thủ đô Hà Nội. Ngôi đình Nam Hương sẽ chính thức mở cửa trở lại để phục vụ Nhân dân và du khách từ hôm nay” - ông Phạm Tuấn Long cho hay.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lại Tấn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh, chính quyền và Nhân dân phường Hàng Trống, Ban quản lý di tích đình Nam Hương cần đoàn kết, đồng lòng, thống nhất quản lý và phát huy giá trị ngôi đình. Đình Nam Hương sẽ trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, là sợi dây gắn bó cộng đồng, thể hiện nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam.
Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, đình Nam Hương (75 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) được dựng lên khoảng cuối thời Lê - Nguyễn để thờ 5 vị Thượng đẳng thần là: Lê Lợi, Thần Long Đỗ, Thần Cao Sơn Đại vương, Thần Linh Lang Đại vương và Công chúa Hà Duy.
Đây là hiện tượng tương đối đặc biệt so với các di tích khác ở quanh hồ Hoàn Kiếm, bởi ý nghĩa lịch sử của các nhân vật được thờ ở đây làm tôn vinh giá trị cho di tích, làm linh thiêng thêm cho nơi thờ tự vốn khiêm tốn về diện tích và kiến trúc.
Trước đây, đình được xây ở dưới đất với quy mô khá lớn về phía khách sạn Phú Gia. Sau này, đình Nam Hương bị thực dân Pháp lấy đất, tiếp đến bị tàn phá. Về sau, tại nơi này, nhà nước bảo hộ Pháp đã xây lại ngôi đình cho thôn Tự Pháp. Ngôi đình được xây ở tầng 2, phía dưới làm cửa hàng. Như vậy, lần theo dấu vết lịch sử, chúng ta có thể đoán niên đại của ngôi đình hiện nay vào thế kỷ XIX.
Các đại biểu mở khăn phủ biển công trình đình Nam Hương. Ảnh: Lại Tấn.
Đến năm 1954, sau khi tiếp quản Thủ đô, đình lại được tôn tạo thêm tầng 2. Nếu so với diện tích ngôi đình ở dưới đất có tới trên 200 mét vuông thì nay đã bị thu hẹp lại do quá trình đô thị hóa. Phần dưới ngôi đình đã từng là nơi làm việc của cơ quan Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm, là cửa hàng ảnh cùng 1 gia đình dân ở. UBND quận Hoàn Kiếm đã nghiên cứu, giải toả các hộ trong không gian di tích để trùng tu, bảo tồn.
Một góc đình Nam Hương sau khi tu bổ. Ảnh: Lại Tấn.
Khu di tích đình Nam Hương có diện tích 441,5 mét vuông được xây theo hướng Đông, gồm 2 tầng. Tầng 1 được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, tầng 2 theo lối hình chữ “nhị”. Phía ngoài là Tiền tế, phía trong là Hậu cung. Trải qua thời gian, ngôi đình đã bị chuyển dời, tàn phá do chiến tranh. Song, ngôi đình vẫn còn bảo lưu được một khối lượng di vật phong phú và có giá trị nhiều mặt về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật.

Hiện nay, đình Nam Hương còn giữ được một số hiện vật có giá trị mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII như: 19 đạo sắc phong của các triều vua Lê, Tây Sơn và Nguyễn phong cho 5 vị thượng đẳng thần; một bảng văn chạm kiểu chân quỳ dạ cá đẹp và quý hiếm do đôi lân cõng, 5 long ngai, 1 choé sứ và nhiều đồ thờ tự khác.

Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, ở đình vẫn làm lễ vào ngày sinh, ngày hoá của các vị thần và rước kiệu với ngai, bài vị của công chúa Hà Duy từ đình sang đền Ngọc Sơn. Đặc biệt vào ngày 25 tháng Chạp tại đình có tổ chức “Lễ sắp ấn”. Đây là lễ phong tước cho thần và cho các quan, khác biệt so với các di tích xung quanh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần