“Gạn đục khơi trong” với chứng khoán

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù bức tranh kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các DN niêm yết không nhiều khả quan, tuy nhiên nhà đầu tư chứng khoán vẫn có thể tìm cơ hội xuống tiền theo kiểu “gạn đục, khơi trong”.

Tìm điểm sáng trong bức tranh màu xám
“Bão” Covid-19 càn quét đã khiến bức tranh kinh doanh của nhiều DN thêm ảm đạm. Trong đó, nhiều ngành lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí lỗ sâu, gồm bất động sản, nông lâm thủy sản, du lịch…
Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, tổng lợi nhuận sau thuế của các DN niêm yết trên sàn này đạt 10.669,5 tỷ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 7/11 ngành có tổng lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm 2019.
Các ngành có tổng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh nhất là ngành bất động sản (giảm 79,4%, từ 634,3 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2019 giảm xuống 130,7 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2020). Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 46,9%, từ 310,2 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2019 xuống còn 164,7 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2020).
 Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Ngành khai khoáng và dầu khí (giảm 12,6%, từ 764 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2019 xuống còn 667,6 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2020). Nguyên nhân chủ yếu là do các DN phải gánh chịu tác động do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Khó khăn hơn, hàng loạt DN có kết quả kinh doanh thua lỗ. Trên HNX, số lượng DN niêm yết thua lỗ tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước. 6/11 ngành có tổng lỗ 6 tháng đầu năm 2020 tăng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, các ngành có kết quả kinh doanh lỗ nhiều nhất là ngành bất động sản với tổng giá trị lỗ từ -27,5 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2019 lên -121,3 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2020 (tổng lỗ tăng tương đương 341%). Nguyên nhân chính cũng là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị ngưng trệ.
Tuy nhiên, trong bức tranh màu tối này vẫn có nhiều điểm sáng. Đáng ngạc nhiên nhất, theo thống kê của HNX, hai ngành có mức tăng tổng lợi nhuận cao nhất là ngành thương mại - dịch vụ lưu trú, ăn uống và ngành tài chính. Cụ thể, ngành thương mại và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 56,8% (tương ứng 115,2 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019, ngành tài chính tăng 11,7% (605,8 tỷ đồng); ngành này dù có lợi nhuận tăng mạnh nhất, tuy nhiên chỉ 17/48 DN trong ngành này có lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 tăng so với năm 2019. Các công ty có lợi nhuận tăng mạnh nguyên nhân được cho là do thoái vốn đầu tư.
Cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn thể hiện vai trò dẫn dắt
Thống kê từ Công ty chứng khoán SSI, tăng trưởng lợi nhuận nhóm cổ phiếu nằm trong danh sách phân tích của công ty này (đại diện 88% vốn hóa thị trường), ước tính lợi nhuận năm 2020 sẽ giảm 20,5%, đảo chiều với mức tăng trưởng 19,4% trong năm 2019. Tuy nhiên, tăng trưởng dương 23,5% sẽ quay trở lại trong năm 2021 từ cơ sở so sánh thấp 2020.
“Bên cạnh rủi ro điều chỉnh khi gặp vùng cản quan trọng thì khả năng nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và tạo động lực cho thị trường tiến đến các vùng điểm số cao hơn trong tháng 9. Dự kiến thị trường sẽ có các nhịp biến động mạnh trong tháng với biên độ dao động của VN-Index từ 880-940 điểm”- báo cáo này nhận định.
Làn sóng thứ hai của Covid-19 khiến triển vọng kinh tế ảm đạm hơn kỳ vọng trước đây. Dù vậy, các chuyên gia phân tích vẫn lạc quan rằng, triển vọng dài hạn của hầu hết các ngành vẫn khả quan nhờ môi trường pháp lý được cải thiện và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, các công ty vẫn sẽ đối mặt nhiều thách thức trong năm 2020.
Trước mùa kinh doanh quý 3 sắp đến, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy, không dễ để tìm tên những DN có sự phục hồi khả quan sau đại dịch. Trong danh sách ngắn khuyến nghị, Chứng khoán Rồng Việt đề cập đến LTG, công ty đầu ngành trong lĩnh vực thuốc trừ sâu và xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, báo cáo này cũng điều chỉnh giá mục tiêu của VHC lên 50.000 đồng/cp, tăng 26% so với GMT cập nhật ngày 18/8 với những đánh giá khả quan hơn về triển vọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng như kỳ vọng giá bán trung bình sẽ tăng dần từ nửa cuối năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần