Gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động: Tạo sức lan tỏa trong đào tạo nghề

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hoạt động diễn ra trong Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 giúp cho công tác đào tạo nghề ngày càng phát triển, người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của đào tạo nghề để thực hiện phân luồng, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của Thủ đô.

Hơn 6.000 học sinh tham gia hội nghị gắn kết
Hội nghị gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 được tổ chức ngày 24/4 tại trường Trung cấp nghề Cơ khí Hà Nội có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng. Hội nghị thu hút hơn 6.000 học sinh (HS) năm cuối trường THCS, THPT, trung tâm GDNN – GDTX và người lao động tham gia. Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đa số HS rất phấn khởi khi được tham dự hoạt động này. “Em có mong muốn đi học nghề Cắt gọt kim loại và chương trình THPT tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội. Hôm nay em đến nghe chuyên gia tư vấn ngành nghề phù hợp với mình. Lớp em cũng có nhiều bạn muốn học mô hình 9+ để sớm có tay nghề đi làm việc luôn” – Nguyễn Thị Mừng – HS lớp 9A, trường THCS Xuân Nộn (huyện Đông Anh) chia sẻ. Cũng mong muốn được đi học nghề ngay sau khi kết thúc lớp 9, Phạm Văn Trung – HS lớp 9E, trường THCS Tiên Dương (huyện Đông Anh) cùng các bạn đã được thầy giáo dẫn đến Hội nghị để tìm hiểu về các ngành nghề của trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội – nơi em dự định đăng ký học.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng thăm các gian hàng giới thiệu ngành nghề đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Thủy Trúc
Tại 43 gian hàng tư vấn tuyển sinh GDNN và 22 gian hàng trình diễn kỹ năng nghề trong Hội nghị luôn đông kín HS đến tìm hiểu và trải nghiệm các nghề. Điều này, tạo ra sức lan tỏa rất lớn đối với công tác đào tạo nghề của Thủ đô.
“Chúng tôi tham gia trình diễn kỹ năng các nghề truyền thống của trường; có gian trưng bày giới thiệu những ngành đang được tuyển sinh và ký kết hớp tác với DN về đặt hàng đào tạo... Từ Hội nghị năm 2019, số lượng học sinh lớp 9 vào trường học tăng dần theo từng năm, vì thế chúng tôi rất muốn Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức sự kiện này mỗi năm một lần” - Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Khuất Huy Bằng chia sẻ.
Trực tiếp dẫn HS lớp 9 trường THCS Tiên Dương đến nghe chuyên gia tư vấn tuyển sinh, ông Nguyễn Tuấn Anh đến từ khoa Cơ khí, trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội cho rằng: Hội nghị không chỉ gắn kết nhà trường phổ thông – DN – sơ sở đào tạo nghề mà còn phân luồng HS sau THCS đi học THPT hay đi học nghề và văn hóa ở trường trung cấp, giúp phụ huynh nắm được lợi ích của học nghề để định hướng cho con em.

Hiệu ứng lan tỏa

Về phía các DN trực tiếp tham gia phiên giao dịch việc làm tại Hội nghị cũng là dịp được gặp trực tiếp HS và người lao động, được giao lưu với các trường nghề, HS để từ đó thắt chặt hơn mối quan hệ nhà trường. “Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ người lao động và HS, SV có việc làm. Vì thế, hôm nay đến Hội nghị, chúng tôi muốn tuyển dụng 50 chỉ tiêu ở vị trí phân phối và bán sỉ, với mức thu nhập tháng từ 5 – 10 triệu đồng, và cao hơn” – Giám đốc khu vực của Nhãn hàng Puderma Phạm Thanh Nga cho biết. Bà Trần Thùy Diệu – Trưởng phòng Phát triển việc làm, Công ty CP Đầu tư và hợp tác quốc tế Nam Việt khẳng định đến Hội nghị chúng tôi được gặp gỡ với nhiều trường nghề - bởi DN đang có dự kiến tuyển hơn 500 lao động từ nay đến cuối năm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, Hội nghị gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 là hoạt động thiết thực trong nhóm các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả của đào tạo nghề. Trong thời gian tới, với những thách thức mới, đề nghị ngành GDNN Thủ đô xây dựng nhiều giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa hiệu quả của công tác GDNN.

Một chuyển biến đáng mừng ngay trong Hội nghị gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 đó là nhiều HS lớp 9 tại các trường THCS sau khi được tư vấn, trực tiếp trải nghiệm các ngành đào tạo có mong muốn được đi học nghề. Đơn cử hơn 200 HS lớp 9 muốn đăng ký học mô hình 9+ tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội. Điều này cho thấy thành công bước đầu của Hội nghị này trong phân luồng cũng như đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cho TP.

"Ngành GDNN Hà Nội cần tiếp tục đổi mới nâng chất lượng GDNN bằng việc tích cực chủ động tham mưu cho TP các giải pháp đổi mới công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo... ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong đào tạo nghề." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng