Gắn quy hoạch với thực tiễn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Kế hoạch số 188/KH-UBND của UBND TP về việc triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, đến hết năm 2018, việc điều chỉnh quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn sẽ phải hoàn thành. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện đang khá chậm.

Chưa có xã nào hoàn thành
Kết quả rà soát của Sở QH - KT Hà Nội cho thấy, đến nay, đã có 13 huyện xin ý kiến tham gia thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch gồm: Thường Tín, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Mê Linh, Thạch Thất và Ứng Hòa. Sở QH - KT Hà Nội đã tham gia ý kiến đối với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn của 188/306 xã trên địa bàn 13/18 huyện, thị xã. Như vậy, vẫn còn 5 địa phương có tiến độ triển khai rất chậm so với kế hoạch gồm: Quốc Oai, Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây.
 Đại diện nhiều huyện, thị xã tham khảo quy hoạch điều chỉnh, bổ sung xây dựng nông thôn mới huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lâm Nguyễn
Lý giải về tiến độ chậm triển khai quy hoạch, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Phạm Tiếp cho biết, địa phương được phân định thành hai vùng riêng biệt là vùng phát triển đô thị và vùng nằm ngoài khu vực phát triển đô thị. Vùng phát triển đô thị hiện bị chồng lấn với quy hoạch chung phát triển Thủ đô. Hạ tầng kỹ thuật cũng như việc khớp nối trung tâm xã với khu dân cư cần được nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng. Thêm nữa, huyện Hoài Đức có tới 12 làng nghề truyền thống và 52/54 làng có nghề nên quy hoạch cũng khó khăn hơn, bởi các quy hoạch hiện không phù hợp với phát triển làng nghề. Trong khi đó, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Đỗ Khắc Mịch phân trần, tiến độ lập quy hoạch của địa phương này bị chậm do khâu tổ chức chưa tốt! Cùng với đó, quy trình, thủ tục phê duyệt từ Sở QH - KT Hà Nội vẫn kéo dài qua nhiều công đoạn…

Sở QH - KT Hà Nội cũng chỉ ra, quy hoạch của nhiều địa phương chưa phù hợp về một số chức năng sử dụng đất dẫn đến việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch không theo kịp kế hoạch. Hệ quả là mới chỉ có 15 xã của huyện Đan Phượng xin ý kiến Sở QH - KT Hà Nội về đồ án quy hoạch. Đến nay, vẫn chưa có xã nào hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch.

Cần phù hợp thực tiễn

Để tiếp tục thực hiện và triển khai tốt công tác lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM trong giai đoạn tới, nhiều ý kiến cho rằng, cần phân định những giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống để bảo tồn và phát huy. Không gian làng, xã cần gắn liền với các di sản kiến trúc. Đặc biệt, cần điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội riêng của từng làng, xã…

Liên quan tới khía cạnh đặc thù, Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Ngô Quý Tuấn cho biết, đơn vị đang kiến nghị UBND TP cho phép phối hợp với các địa phương rà soát, hướng dẫn công tác điều chỉnh quy hoạch xã NTM trên cơ sở đánh giá sự phù hợp với thực tiễn của từng địa phương. Ông Tuấn cũng kiến nghị các huyện, thị xã cần tập trung rà soát quy hoạch cấp trên và chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác lập điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tiến độ và yêu cầu.

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng NTM TP Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng, trong số 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, tiêu chí quy hoạch được đứng đầu tiên. Điều này cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn của công tác quy hoạch. Thực hiện tốt tiêu chí quy hoạch là tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt các tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí quốc gia.

Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục hoạch định các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Xác định mạng lưới các điểm sản xuất, dịch vụ phù hợp. Hoạch định mạng lưới thị trấn, thị tứ, điểm dân cư tập trung và hạ tầng khung phục vụ sản xuất, liên kết giữa địa bàn sản xuất với khu dân cư và giữa những khu dân cư với nhau. Đặc biệt là tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa tại chỗ, phát triển dân cư phi nông nghiệp ở địa bàn cấp huyện, xã trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần