Gánh hàng rong và tiếng rao đêm: Hương vị riêng của Hà Nội

Hoàng Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự kết hợp tinh tế giữa ảnh chụp, hiệu ứng âm thanh và các ký họa duyên dáng, triển lãm - sắp đặt Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền) đến ngày 30/10, đã đánh thức những luyến nhớ, hoài niệm về một Hà Nội xưa. Hơn một thế kỷ, gánh hàng rong và tiếng rao đêm không chỉ là ký ức, mà còn nét đặc trưng đang hiện hữu, trở thành hương vị riêng của Hà Nội.

 Phở gánh Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX (ảnh trưng bày trong triển lãm).

Khám phá đa chiều

Cả thế giới của gánh hàng rong từ tranh vẽ, ảnh chụp cho tới những tiếng rao xuyên suốt một thế kỷ... đang được bày ra trước mắt công chúng tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội. Triển lãm giới thiệu tập hợp các phác thảo, tranh vẽ và màu nước được thực hiện bởi 15 sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương và thầy giáo của họ - Ferdinand de Fénis trong khoảng từ năm 1925 - 1929. Các nghệ sĩ khắc họa một cách tài tình thế giới bé nhỏ của những gánh hàng rong đang rảo bước khắp các con phố Thủ đô, dưới tia nắng đầu tiên trong ngày cùng các gánh hàng rau quả, kẹo bánh và đồ ăn vặt đa dạng… Điểm độc đáo của những bức vẽ nằm ở sự miêu tả đầy hấp dẫn về những món ăn được bày bán khắp các góc phố và việc nắm bắt nhạc tính trong tiếng rao người bán sử dụng để mời gọi khách hàng. Tính nhân văn sâu sắc toát ra từ những bức tranh cũng được thể hiện qua sự sống động của các khung cảnh đường phố, đôi khi chỉ với một vài đường nét phác thảo.

Bên cạnh những bức vẽ, những tác phẩm nhiếp ảnh cùng thời kỳ thuộc bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng được tôn vinh qua một sắp đặt đầy tính tương tác. Công chúng sẽ có cơ hội sống lại bầu không khí của những ngày xưa cũ khi băng qua chiếc cầu thời gian, được kết thành từ 27 bức ảnh đen trắng, sẽ tự động thắp sáng khi khán giả bước qua… Đáng chú ý, những tiếng rao của người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội được tái hiện bởi các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc và nghệ sĩ Đàm Quang Minh cũng đưa công chúng trở lại những ký ức, những "hương vị" thuở xưa của Hà Nội.

Những tiếng rao biến đổi trong dòng chảy một thế kỷ được tái hiện công phu bằng giọng của các nghệ sĩ; phối trộn cùng tiếng gà gáy sáng, tiếng chim chóc thôn dã, tiếng mưa, sấm sét, tiếng tàu về ga, tiếng ồn ào phố thị, tiếng còi hàng kem mút dạo một thời đã xa, tiếng rao bằng loa của thời hiện đại hôm nay... "Ai mua xôi ra mua"; "Chai xanh chai đỏ, chai bỏ thuốc sâu, dép nhựa, xương trâu đem ra đổi kẹo. Kẹo này là kẹo đường chính Cuba, ăn vào mát ruột cả nhà khen ngon nào"; "Mài dao kéo đi"; "Ai bánh chưng, bánh giò, bánh rợm nào"; "Ai kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi nào"; "Ai bánh rán, bánh dầy nào"; "Phớ!"; "Xôi lạc, bánh khúc đây"; "Ai xôi khúc đây"; "Bánh bao nóng đây"...

Di sản thú vị của đô thị

Trong triển lãm Gánh hàng rong và những tiếng rao trên đường phố Hà Nội tại Trung tâm văn hóa Pháp, khán giả được thấy một Hà Nội thân thương từ đầu thế kỷ XX. Đó là cái thời kỳ biến đổi với luồng văn hóa phương Tây thổi vào nước ta, có gánh hàng rong hàng quà vặt nhân dịp Noel năm 1922, gánh hàng rong bán lòng lợn tiết canh, hay chợ mái lá năm 1939… Gánh hàng rong ngày ấy đơn sơ với đôi quang gánh, mẹt đan bằng nứa hoặc những cái thùng gỗ to…

Ngày nay, gánh hàng rong Hà Nội vẫn là hình ảnh để người đi xa nhớ về. Không còn thúng mẹt, những chiếc xe chở đầy hoa theo mùa chạy khắp con phố mang theo bao nét đẹp của Hà Nội. Những gánh hàng hoa quả vẫn len lỏi trong từng con ngõ nhỏ. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái từng chia sẻ: “Khi sống ở Hà Nội, tôi thấy ngột ngạt với dòng xe cộ tấp nập nhưng khi có việc phải xa Hà Nội tôi lại thấy thèm và nhớ mùi khói xe. Hình ảnh, âm thanh đặc trưng của Hà Nội là những gánh hàng rong và tiếng rao đêm cứ văng vẳng trong tâm trí, nó thôi thúc tôi trở về”.

Triển lãm của những người bạn Pháp gửi đến chúng ta trong thời điểm này để nói, gánh hàng rong, tiếng rao đêm cũng là một di sản rất thú vị của đô thị Hà Nội, mà có lẽ những người đang sống trên mảnh đất này chưa hiểu hết được nét thi vị của nó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần