Gánh hậu quả vì thiếu kiến thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù là lực lượng đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng hiện nay, đời sống tinh thần cũng như công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, công nhân ở các khu công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy.

Thiếu một chỗ dựa tin cậy để được tư vấn, hướng dẫn đầy đủ nên đa phần các nữ công nhân ít quan tâm đến sức khỏe sinh sản (SKSS). Trong những mối tình "chớp nhoáng", họ đành chấp nhận sống theo bản năng, việc tránh thai hoàn toàn dựa vào các biện pháp tự nhiên, hiệu quả thấp. Hệ quả đau lòng, tình trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai trong nữ công nhân các khu công nghiệp luôn ở mức báo động.

Những mối tình “góp gạo thổi cơm chung”

Theo số liệu của Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 9,5 triệu công nhân, trong đó tỷ lệ nữ công nhân chiếm 43,6%. Tuy nhiên, đa số các khu công nghiệp không có các phòng y tế, không có dịch vụ chăm sóc SKSS, kế hoạch hóa gia đình.

Do thiếu kiến thức, tỷ lệ công nhân sử dụng các phương tiện tránh thai khá thấp (chỉ có 30,5%); tỷ lệ có nhu cầu khám và điều trị bệnh phụ khoa là 44,2%. Trong khi đó, hiện tượng "sống thử", "góp gạo thổi cơm chung" đang diễn ra khá phổ biến trong khu trọ của công nhân. Thiếu thốn tình cảm gia đình, không có kiến thức SKSS, cường độ làm việc cao, ít có điều kiện tiếp xúc với xã hội, nhiều nữ công nhân đang phải đối mặt với những hệ lụy như mang thai ngoài ý muốn, lạm dụng thuốc tránh thai, phá thai không an toàn, mắc các bệnh phụ khoa.
Nữ công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tham dự chương trình tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Nữ công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tham dự chương trình tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Đa số các nữ công nhân tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội là những cô gái đều xuất thân ở các vùng quê nghèo. Công việc của họ thường kéo dài từ sáng tới chiều tối, nhiều người còn chấp nhận tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Sinh hoạt hàng ngày chỉ bó hẹp từ phòng trọ đến nhà máy nên rất thiếu thốn tình cảm. Họ dễ chấp nhận với các cuộc tình trai gái để khỏa lấp nỗi trống vắng vì xa quê hương, người thân. Việc "góp gạo thổi cơm chung" với bạn trai còn giúp san sẻ nỗi lo về kinh tế. Chị Nguyễn Thị Thu - công nhân Công ty Panasonic cho biết, nhiều phòng trọ công nhân đều có hiện tượng nam nữ sống cùng nhau. Nhà có đàn ông, công việc làm ca kíp của chị em cũng được đỡ đần phần nào, mức lương hai người chia sẻ cho nhau. Hơn nữa, nhiều đôi yêu nhau nhưng do mức lương thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chưa tổ chức cưới xin. Vì thế, họ coi việc sống chung trước như một cách gắn bó, thể hiện tình cảm với nhau.

“Mù tịt” kiến thức tránh thai

Khi chị em dẫn bạn trai về sống chung nhà, chủ nhà trọ thường rất khó chịu và e ngại những hệ lụy kèm theo. Mới đầu, nhiều chủ nhà trọ nghiêm cấm tình trạng này, nhưng sau thấy mất khách, bị công nhân "tẩy chay", họ đành làm ngơ với các quy định đã cam kết theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Do đó, việc công nhân nữ dẫn bạn trai về phòng sống thử, quan hệ tình dục đã trở thành chuyện bình thường trong đời sống công nhân. Tuy nhiên, do kiến thức SKSS quá thiếu, họ không chú ý đến các biện pháp bảo vệ an toàn khi quan hệ tình dục dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Tại phòng trọ ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), một nữ công nhân tên Phương Hoa buồn bã tâm sự: "Quen nhau qua "mai mối" từ bạn bè được 3 tháng, bạn trai em đã đề nghị dọn về sống chung. Ban đầu, em chỉ nghĩ ở cùng nhau tiện bề chăm sóc cho anh ấy, cơm nước giặt giũ và tiết kiệm tiền lương của cả hai để sau này lo việc cưới xin". Nhưng chuyện nam nữ sống chung nhà, việc quan hệ trước hôn nhân rất khó tránh. Do không có kiến thức sinh sản, nên Hoa đành nhắm mắt mặc kệ cho người yêu tự phòng tránh. Mấy tháng sau, cô lỡ có bầu, cả hai mới cuống quít tìm cách "xử lý". Hỏi bạn bè thì ngượng, nếu để phía công ty biết thì sẽ bị đuổi, Hoa đành lên mạng tìm kiếm thông tin, kiến thức không chính thống. Cuối cùng, hai người quyết định phá thai bằng thuốc, sau đó, Hoa bị ra máu nhiều, nhưng không tái khám vì sợ tốn tiền. Sau lần phá thai đó, Hoa bị rong kinh đến nửa năm trời, cơ thể lúc nào cũng xanh xao, mệt mỏi, năng suất lao động bị giảm sút. Vì lo sợ mang bầu lần hai, cô tránh hẳn việc quan hệ với người yêu. Chán nản vì không được đáp ứng, chàng trai thản nhiên bỏ đi theo cô gái khác. "Khi lên Hà Nội làm việc, em mới 18 tuổi, chưa ý thức được những hậu quả này. Đến bây giờ, sau khi phá thai, em sợ sau này khó lấy chồng, khó có con, biết ân hận thì đã muộn" - Hoa bày tỏ.

Không chỉ có Hoa mà sự thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai và tình dục an toàn còn là tình trạng chung của nhiều nữ công nhân ở các khu công nghiệp. Dù biết rõ sử dụng bao cao su là an toàn và hiệu quả cao nhưng nhiều nữ công nhân tâm sự, họ không dám đến các điểm dịch vụ mua vì sợ mọi người đánh giá là "hư hỏng", lẳng lơ… Đối với thuốc tránh thai cũng vậy, có rất nhiều loại, mỗi loại có cách sử dụng, chỉ định riêng nhưng nhiều người sử dụng vô tội vạ, ảnh hưởng đến nội tiết tố, có thể phải đối mặt với tình trạng vô sinh. 

(còn nữa)       

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần