Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gánh nặng gây ô nhiễm môi trường từ vật liệu xốp

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thành rẻ, tiện lợi cùng với thói quen của người dân, vô hình chung đã khiến vật liệu xốp từ hộp đựng thức ăn đến những tấm giảm va đập được đặt cùng thiết bị điện tử, hàng dễ vỡ… đã trở nên rất quen thuộc trong cuộc sống. Tuy nhiên, sau khi sử dụng những miếng xốp sẽ được xử lý ra sao? Tác hại như thế nào? Liệu rằng chúng ta có thể chống lại tình trạng vật liệu xốp gây hại cho môi trường hay không? thì không phải ai cũng biết.

Rác thải xốp rất nguy hại nếu chúng ta không có biện pháp xử lý hiệu quả. Ảnh: Hà Ánh
Gây hại sức khỏe, ô nhiễm môi trường
Từ nhiều năm nay, với tính chất là nhẹ, bền, dễ sử dụng, dễ tìm mua hộp xốp đựng thức ăn đã ngày càng trở nên phổ biến, trở thành thói quen tiêu dùng của nhiều người. Tuy nhiên, đằng sau sự tiện lợi, loại hộp xốp tưởng vô hại này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nguyễn Thế Quảng, một shipper tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Một ngày em giao khoảng 35 - 40 đơn hàng, đa phần đều có hộp xốp và túi nilon, bản thân cũng tự nhận thức được hộp xốp sau khi sử dụng khó phân hủy và gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng nên em cố gắng hạn chế dùng và không vứt rác bừa bãi”. Theo một công nhân vệ sinh môi trường tại quận Hoàng Mai, trong quá trình đi thu gom, xốp cũng như nhiều loại rác thải khác thường được người dân gói chung với rác thải sinh hoạt hoặc vứt bừa bãi, cồng kềnh và rất dễ bị vỡ vụn. Nhiều trường hợp xốp thường là vỏ bọc của các loại hàng hóa nhưng có nhiều người tiện tay vứt ngay trên hè phố, xốp bay lung tung lên gây mất vệ sinh.

Thực tế, bao nilon còn thu hồi, tái chế thành loại bao bì khác, nhưng vật liệu xốp không tái chế được. Hơn nữa, những mảnh xốp vụn không được thu gom và xử lý, thậm chí còn nguy hại hơn cả túi nilon. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hộp xốp làm từ chất liệu polystyrene, là một dạng bao bì chất dẻo, không phân hủy trong môi trường được, dày, nhẹ mà rất dễ bị vỡ. Khi những miếng xốp trôi xuống dòng nước, ra sông, biển sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn đồng thời tai hại với các loại thủy sản.

Quản chặt nguồn cung, thay đổi thói quen sử dụng

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đặc biệt lưu ý, rác thải xốp quá nhiều khi thải ra môi trường nước hoặc đất có thể khiến cho biến đổi tính chất của đất, gây tắc nghẽn mạch nước lưu thông. Không chỉ thế, mùi hôi thối do không có phương pháp xử lý rác thải xốp đúng quy trình nên qua nhiều ngày, nó chính là nguyên nhân khiến cho nhiều loại vi khuẩn không ngừng phát triển, gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm cho con người. Vì vậy, chúng ta phải tuyên truyền sâu rộng để người dân thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xốp.

Hiện nay, tại Việt Nam việc sản xuất xốp, nhựa, túi nilon tại các làng nghề, cơ sở thủ công, nhỏ lẻ vẫn còn nhiều và chưa được quản lý chặt chẽ. Không những vậy, để xử lý rác thải từ xốp thì phương pháp chủ yếu là chôn lấp, đốt sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước. Nếu người dân không được hướng dẫn cụ thể cách xử lý rác thải từ xốp thì gánh nặng ô nhiễm môi trường sẽ là rất lớn khi chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng như hiện nay.

Thay đổi thói quen là điều không dễ, nhất là khi các loại hộp xốp, hộp nhựa, túi nilon hiện có giá rẻ, đang được sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, đã đến lúc người dân cần kiên quyết thay đổi thói quen có hại đó để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Bước đầu là hạn chế sử dụng, sau đó loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế. Thay vào đó, nên sử dụng đồ dùng được làm từ sứ, thủy tinh hoặc các vật liệu thân thiện với môi trường. Đồng thời, người dân cần tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc lựa chọn, sử dụng đồ gia dụng nói chung.