Gạo là mặt hàng có nguy cơ rủi ro thấp về an toàn thực phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đưa ra khi đề cập tới khả năng gạo không bảo đảm an toàn thực phẩm do nguy cơ tồn dư hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật.

Thực tế hiện nay, các mặt hàng thực phẩm nói chung đều đã được các bộ, ngành ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mặt chất lượng. Đối với mặt hàng gạo nói riêng, Bộ NN&PTNT đã có quy định về mức tồn dư tối đa cho phép đối với các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư. Định kỳ hoặc đột xuất, các nông sản thực phẩm, trong đó có gạo, đều được các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, lấy mẫu giám sát.

Gạo Việt bảo đảm chất lượng cho cả 2 mục tiêu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ảnh minh hoạ.

Đối với gạo xuất khẩu thì phải áp dụng quy định của CODEX (Cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc - FAO và Tổ chức Y tế thế giới - WHO cùng xây dựng) về mức tồn dư tối đa cho phép. Điều này nhằm đảm bảo các yêu cầu chung về dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật. Tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung, mặt hàng gạo nói riêng, đều phải tuân thủ các quy định của CODEX.

Liên quan đến nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong lúa gạo, đại diện Cục Trồng trọt cho biết, người nông dân thường phun thuốc bảo vệ lần cuối trước thu hoạch từ 15 - 25 ngày. Trong khi đó, thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh của cây lúa chỉ cần 7 ngày. Do đó, nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm của gạo là rất thấp.

Thực tế trong những năm qua, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã có sự thay đổi lớn. Gạo Việt đang ngày càng có chất lượng tốt hơn, được nhiều quốc gia nhập khẩu và từng bước khẳng định được thương hiệu. Năm 2019, gạo ST24 của Việt Nam thậm chí đã vượt qua nhiều thương hiệu gạo lớn và được cộng đồng quốc tế công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới”.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường mới đây khẳng định, rất nhiều thị trường có đòi hỏi cao về chất lượng gạo như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Tuy nhiên, gạo Việt đều đáp ứng các yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật và tiếp cận được những thị trường này. Điều đó cho thấy gạo Việt đã bước đầu tìm được chỗ đứng và chất lượng của gạo Việt là bảo đảm an toàn chất lượng.

Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho biết thêm, những năm qua, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã và đang được áp dụng rộng rãi trong canh tác lúa gạo. Nhiều bộ giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng tốt đã được chuyển giao cho nông dân sản xuất. Các gói kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, hay “1 phải, 5 giảm” cũng được áp dụng rộng rãi trên cả nước nhằm tiết giảm chi phí sản xuất mà vẫn cho năng suất, chất lượng gạo ở mức cao.

Cũng theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hàng năm diện tích gieo trồng lúa cả nước đạt khoảng 7,3 triệu héc-ta. Sản lượng thóc đạt hơn 43,3 triệu tấn/năm. Ngành lúa gạo trong nước phát triển không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu lương thực cho 100 triệu dân cư trú tại Việt Nam, mà còn đủ để xuất khẩu từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo mỗi năm đến hầu khắp các thị trường trung và cao cấp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần