Gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ: Điểm yếu cần sớm khắc phục

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự việc gạo ST25 vừa bị 4 DN ngoại đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lơ là bảo vệ thương hiệu nông sản tại Việt Nam. Đây cũng là bài học đắt giá dành cho phần lớn DN Việt khi vẫn chủ quan, chậm trễ bảo vệ tài sản trí tuệ của chính mình.

Điểm yếu của doanh nghiệp Việt
Thương hiệu gạo ST25 bị đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường nước ngoài không phải là câu chuyện mới mà rất phổ biến trong hoạt động thương mại quốc tế. Bài học nhãn tiền về đánh mất chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hàng hóa nông sản như: Nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre… vẫn còn nguyên giá trị.
Thực tế cho thấy không ít các nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam đã được đăng ký tại Việt Nam, được sử dụng, biết đến rộng rãi, có uy tín ở Việt Nam nhưng lại không thể đăng ký tại nước ngoài vì nhiều nguyên nhân. Trong đó lý do cơ bản là DN Việt chậm trễ, chủ quan trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng như không lường trước được rủi ro về việc nhãn hiệu của mình sẽ bị lấy mất tại thị trường nước ngoài.
 Gạo ST25 được bày bán tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Quỳnh Trần
Năm 2003, Chương trình Thương hiệu Quốc gia được ra đời nhằm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho DN. Tuy nhiên, chương trình chỉ có thể hỗ trợ quảng bá ngành hàng nói chung, không hỗ trợ quảng bá riêng cho một vài nhãn hiệu, DN nên không thể có hỗ trợ trực tiếp. Mặt khác, theo quy định hiện hành, Chính phủ không làm thay DN trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài.
Các cơ quan liên quan chỉ cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho DN về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu. Song, điều đáng lưu tâm là phần lớn DN Việt vẫn chưa quan tâm và đầu tư thích đáng cho xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Do vậy, không ít các sản phẩm nông sản của Việt Nam dù có chất lượng cao nhưng vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa và quốc tế.

Đưa ra quan điểm về xây dựng thương hiệu nông sản, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thời gian qua, Việt Nam rất nỗ lực trong việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu… Nhưng đáng buồn là sau mấy chục năm Việt Nam vẫn đứng sau một số quốc gia khác. Đơn cử như hồ tiêu Việt Nam, hiện vẫn đứng sau hồ tiêu Ấn Độ. Điều này cho thấy, thương hiệu và sở hữu trí tuệ vẫn là những điểm yếu của hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.

Coi thương hiệu, sở hữu trí tuệ là tài sản quốc gia

Từ trường hợp của thương hiệu gạo ST25, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các DN Việt Nam phải coi trọng vấn đề sở hữu trí tuệ. DN cần chủ động có chiến lược trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm để giữ vững thương hiệu của mình.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú khuyến cáo, DN cần chủ động dành nguồn lực một cách tương xứng cho chiến lược bảo vệ và phát triển thương hiệu. Với những DN nhỏ và vừa, nhà nghiên cứu, sáng chế cá nhân cần liên kết DN có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính để hỗ trợ sản xuất, phân phối sản phẩm, gắn với bảo vệ thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tránh nguy cơ bị xâm phạm và đánh cắp thương hiệu.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, hành vi về đánh cắp bằng sáng chế, xâm phạm sở hữu trí tuệ đã và đang xảy ra rất nhiều ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, hơn bao giờ hết các DN xuất khẩu phải thay đổi tư duy, các cơ quan Nhà nước cũng cần quan niệm sở hữu trí tuệ là vấn đề toàn cầu. “Thực tế đã có những DN quan tâm hơn đến việc hoạch định chiến lược đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài khi có kế hoạch mở rộng thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, làm thế nào để việc đăng ký nhãn hiệu mang lại hiệu quả cao nhất cho việc kinh doanh lại là bài toán khó mà không phải DN nào cũng tìm được lời giải” – TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Như vậy, trong bối cảnh hội nhập, DN Việt vươn ra thị trường thế giới bằng những sản phẩm xuất khẩu, chắc chắn sẽ không tránh khỏi trường hợp vấp phải hoàn cảnh bị tranh chấp thương hiệu ở nước ngoài vì chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Do đó, cùng với sự chủ động của DN trong chiến lược bảo vệ, phát triển thương hiệu, các cơ quan Nhà nước cần có giải pháp tổng thể hỗ trợ về thông tin, pháp lý cho DN về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.

"Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ thời gian tới xem xét, thí điểm giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH&CN, hiệp hội ngành hàng, chọn ra các sản phẩm xuất khẩu thương hiệu tốt để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trên các thị trường xuất khẩu trọng điểm phù hợp các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)." - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú