Gặp "ải" Nga, chính quyền Biden khó đột phá

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức nội các sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden tiết lộ, chính quyền Washington đang nỗ lực gia hạn hiệp ước hạt nhân với Nga, ngay cả khi vẫn có ý định trừng phạt Moscow vì vụ tấn công mạng chưa từng có vào Chính phủ Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 3/11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ sắp tới Jake Sullivan cho biết, ngay sau khi Iran tái tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - hiệp ước mà chính ông đã góp công đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama - sẽ có một cuộc đàm phán về khả năng phát triển tên lửa của quốc gia này.
"Trong cuộc đàm phán rộng hơn đó, chúng tôi cuối cùng cũng có thể đảm bảo các giới hạn đối với công nghệ tên lửa đạn đạo của Iran và đó là điều chúng tôi dự định theo đuổi thông qua ngoại giao", ông Sullivan nói.
Iran vốn đã từ chối cam kết bất kỳ hạn chế nào đối với việc phát triển hoặc thử nghiệm tên lửa trong thỏa thuận trước đó với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh, bất chấp một nghị quyết đã được thông qua bởi Liên Hợp quốc sau đó nhằm kêu gọi Tehran thể hiện sự kiềm chế. 
Cùng với đó, ông Sullivan cũng trích dẫn kiểm soát vũ khí là một trong số ít lĩnh vực mà Điện Kremlin và chính quyền mới có thể hợp tác, khi nhắc đến Hiệp ước kiểm soát vũ khí New Start song phương sẽ hết hạn vào ngày 5/2 tới. Việc gia hạn này, vốn không cần đến quyết định của Thượng viện, sẽ là phép thử đầu tiên để thấy liệu sự hợp tác đó có khả thi hay không.
Nhìn chung, các tuyên bố của ông Sullivan cho thấy, chính quyền Biden dường như muốn tạo bước đột phá ngoại giao bằng cách nhanh chóng giải quyết 2 vấn đề kiểm soát vũ khí vô cùng phức tạp, trong bối cảnh Chính phủ Mỹ vẫn đang phải tìm cách đối phó với đại dịch Covid-19 và những cú sốc kinh tế mà nó gây ra.
Tuy nhiên, Nga lúc này càng là một "ải" lớn, bởi ông Biden đã tuyên bố sẽ buộc Moscow phải trả giá cho cáo buộc hack hơn 250 mạng máy tính của Chính phủ Mỹ và tư nhân - một cuộc tấn công được cho là lớn chưa từng thấy, và nhiều khả năng vụ việc bị phát hiện mới chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm".
Cho đến nay, chưa có cuộc thảo luận nào giữa các đại diện của ông Biden và phía Nga về hiệp ước, trong khi các cuộc trò chuyện gần nhất là cách đây 4 năm, giữa Đại sứ Nga tại Mỹ và Michael Flynn - cựu Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, đã dẫn đến các cuộc điều tra ban đầu về giao dịch của chính quyền với Nga.
Đội ngũ của ông Biden cho biết đang hết sức cẩn trọng để tiếp xúc với nước ngoài về bất kỳ vấn đề quan trọng nào cho đến hết ngày 20/1 - ngày ông Biden chính thức nhậm chức.