Gập ghềnh nghề báo thể thao

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phóng viên thể thao Việt Nam từng có một lực lượng hùng hậu vốn gắn liền với các tờ báo thể thao có thời nở rộ. Đó là chưa kể đến việc, hầu hết các tờ báo đều có mục hoặc chuyên trang về thể thao nhằm phục vụ nhu cầu của độc giả.

Vậy nhưng, giai đoạn gần đây, trước những khó khăn của nền kinh tế và sự thay đổi nhanh chóng về thị hiếu đọc, báo chí thể thao và các nhà báo, phóng viên thể thao chịu ảnh hưởng rất lớn.

Nở rộ

Những người làm báo thể thao từng được coi là ví dụ điển hình của sự hội nhập với thế giới. Những giải đấu quốc tế như SEA Games, AFF Cup hay thậm chí cả World Cup là dịp để biểu dương lực lượng của báo chí thể thao. Sân chơi khu vực và châu lục luôn có hàng chục, đến hàng trăm phóng viên đến từ Việt Nam. Họ thậm chí còn đông và thiện chiến hơn cả những phóng viên đến từ các nước trong khu vực. Các phóng viên thể thao Việt Nam cũng tỏ ra chịu chơi khi sắm những phương tiện tác nghiệp đắt tiền và hoàn thiện khả năng ngoại ngữ để theo sát các sự kiện lớn. Ngay cả những sự kiện đặc biệt lớn như World Cup hay Thế vận hội cũng có hàng chục phóng viên Việt Nam sang tác nghiệp. Có những tờ báo thể thao đã cử cả chục tốp phóng viên sang tác nghiệp trước và sau World Cup.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Có một thời, báo chí thể thao nở rộ. Hàng loạt các tờ báo, phụ trương về thể thao ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn của bạn đọc. Người ta nhìn thấy cơ hội từ sự yêu mến bóng đá đặc biệt của người dân Việt Nam. Và để đón đầu cơ hội có thể đem đến tiền bạc và hình ảnh, ngay cả những tờ báo không liên quan mấy đến thể thao cũng ra chuyên trang, hay tin nhanh World Cup, Euro hay SEA Games. Và đương nhiên, nhờ sự ra quân rầm rộ của mà thể thao quốc tế và cả thể thao Việt Nam được tiếp cận một cách toàn diện, thậm chí, nó còn dẫn đến những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các tờ báo để giành lấy thị phần. Và đương nhiên, những người được hưởng mức lương cao nhất, nhuận bút cao nhất trong trào lưu nở rộ báo thể thao là các phóng viên. Thậm chí, có những thời điểm giới phóng viên thể thao còn có khái niệm rất bóng đá là “chuyển nhượng cơ quan” với ưu đãi là chức vụ hoặc mức lương.

Và tái cơ cấu

Từng nở rộ với nhiều thương hiệu nhưng đến giờ, báo chí thể thao nói chung và giới phóng viên thể thao đối diện với đợt tái cơ cấu một cách toàn diện. Nhiều tờ báo thể thao đã biến mất trên thị trường. Có tờ báo ít bi đát hơn thì cũng phải giảm số phát hành, hoặc thậm chí là phát hành cho có để chờ cơ hội đến từ tương lai. Đi cùng với đó, nhiều phóng viên thể thao đang từ mức thu nhập cao ngất đã phải chuyển nghề. Nhiều tớ báo thể thao cố lắm cũng chỉ lo được cho phóng viên lương cơ bản còn nhuận bút thì ở tình trạng nợ vài tháng đến vài năm hoặc xác định luôn là không có.

Trong khó khăn của báo chí thể thao, những người còn đắm đuối với nghề đã phải tìm kiếm những nguồn thu mới. Lý tưởng nhất là đi cộng tác với những tờ báo bạn. Người khác thì kinh doanh, hoặc làm thêm một số công việc vốn có liên quan với thể thao. Cái khó của phóng viên thể thao chính là việc họ không có nhiều quan hệ ngoài những trận đấu hoặc nhân vật liên quan đến lĩnh vực của mình nên việc tìm một sự chuyển hướng hay công việc phụ là vô cùng nan giải.

Những con chữ gập ghềnh sự toan lo nhưng thể thao vẫn là lĩnh vực được rất nhiều người quan tâm. Vẫn còn nhiều bạn trẻ hướng đến nghề phóng viên thể thao để được đi nhiều nơi và thỏa mãn với niềm đam mê của mình. Và, bản thân những người báo cũng như cơ quan của họ cũng đang cố gắng “tìm một con đường, tìm một lối đi” nhằm có thể vượt qua được khó khăn trong giai đoạn hiện tại.