Gặp lại chứ không lặp lại

Đại sứ Trần Đức Mậu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những sự kiện hiện tại được thế giới để cập đến và chờ đợi nhiều nhất là cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên được dự kiến diễn ra ở Hà Nội vào cuối tháng 2 này.

Cách đây gần 9 tháng, hai người kia đã cùng nhau làm nên cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên.

Ở Hà Nội, họ gặp lại nhau nhưng cuộc cấp cao lần này giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ khác lần trước trên nhiều phương diện chứ không phải là sự lặp lại. Cùng là sự kiện lớn nhưng trong thế giới hiện đại hiện tại thì 2.0 khác biệt với 1.0 cả về lượng lẫn về chất.

 Ảnh minh họa. 

Cuộc cấp cao Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 khác cơ bản so với lần trước ở điểm xuất phát của cả hai bên. Chín tháng trước đây, ông Trump và ông Kim Jong-un đến Singapore để gặp nhau với nhiều thập kỷ thù địch và đối địch giữa Mỹ và Triều Tiên mà chỉ có được nửa năm giảm căng thẳng. Hai người đều muốn và cần cuộc gặp thành công nhưng cũng đều đã chuẩn bị sẵn sàng và không loại trừ khả năng cuộc gặp bị thất bại. Bây giờ, họ đến Hà Nội để gặp lại nhau với những kết quả ban đầu của 9 tháng thực hiện tuyên bố chung của họ ở Singapore. Những kết quả này trong thực chất chưa phải nhiều và cơ bản nhưng đều là những biểu hiện quan trọng và tích cực trong mối quan hệ song phương này. Nó cho thấy và giúp hai người tin được rằng cứ tiếp tục như thế thì hai bên rồi cũng sẽ giải quyết được mọi vấn đề vướng mắc với nhau và hai cừu thù của nhau này có thể hoà bình được với nhau. Vì thế, khi gặp lại nhau này, hai người có thể cởi mở với nhau hơn, dễ thuyết phục nhau hơn và cũng dễ thoả thuận mới với nhau hơn.

Cuộc cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên lần thứ 2 khác với lần đầu ở phương diện mục tiêu mà hai bên đặt ra. Ông Trump và ông Kim Jong-un dường như vẫn tiếp tục cách tiếp cận như ở Singapore là dùng cuộc gặp cấp cao để định hướng và đề ra khuôn khổ cho cấp thấp hơn đàm phán tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cũng như dùng khuôn khổ tiếp xúc và quyết định ở cấp cao làm sự đảm bảo cho tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai nước không bị đảo chiều. Nhưng hai người này phải và muốn đi xa hơn những gì đã đạt được ở Singapore. Nói theo cách khác, chỉ tuyên bố chung chung thôi như ở Singapore không phải là đủ đối với họ và sẽ không thể đủ để xứng đáng với ý nghĩa của cuộc gặp cấp cao lần thứ 2 giữa Mỹ và Triều Tiên. Có thể không được ở tất cả các vấn đề đặt ra trên chương trình nghị sự nhưng ít nhất thì cũng trong một hay một vài vấn đề ấy, ông Trump và ông Kim Jong-un phải đạt được sự nhất trí về cách giải quyết rõ ràng và cụ thể hơn với lộ trình thực hiện hướng tới những bước chuyển mới và thành quả mang tính cơ bản. Năm ngoái ở Singapore, họ đã tạo nên sự khởi đầu cho thời kỳ mới của mối quan hệ giữa hai nước và có thể như thế là đủ. Nhưng ở Hà Nội lần này, họ phải cùng nhau có được thoả thuận với tác dụng của bước chuyển khai thông và đột phá mới.

Đối với ông Trump và ông Kim Jong-un, cuộc gặp lại nhau ở Hà Nội khác lần gặp nhau đầu tiên ở Singapore trên phương diện áp lực thành công lớn hơn rất nhiều. Áp lực đến từ nội bộ Mỹ và Triều Tiên. Áp lực đến từ chính tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai nước. Thời gian qua, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên diễn biến như thế là rất tích cực và đáng khích lệ nhưng hiện đã đến lúc không thể cứ như thế mãi được nữa mà cần phải có được cú hích quyết định mới để tháo gỡ những vướng mắc mang tính nguyên tắc nên khó khắc phục nhất như phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, dỡ bỏ những hiện pháp của Mỹ cấm vận và trừng phạt Triều Tiên, chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, hoạt động quân sự của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á. Áp lực này thúc ép họ phải tiếp tục cùng nhau tiến về phía trước chứ không được lùi, phải kiên định quyết tâm và định hướng đã thoả thuận, phải đi vào thực chất và cụ thể. Áp lực này buộc họ phải làm cho cuộc gặp thành công.

Nhưng thế giới bên ngoài cũng sẽ khắt khe trong việc đánh giá kết quả cuộc gặp này hơn nhiều so với đánh giá về kết quả cuộc gặp đầu tiên của họ ở Singapore.