Gặp lại người kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập

Chia sẻ Zalo

KTĐT - GS Lê Thi (nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) là người đã có vinh dự kéo cờ Tổ quốc trong ngày Quốc khánh 2/9/1945.

Dù đã ngoài 86 tuổi nhưng GS Lê Thi vẫn giữ được sự khúc chiết trong từng câu nói, lòng nhiệt thành cách mạng của một thời tuổi trẻ và tích cực đóng góp tiếng nói trước những vấn đề xã hội của đất nước.

Nhiều người thắc mắc, tại sao trong số hàng ngàn người có mặt tại Quảng trường Ba Đình lịch sử vào ngày lễ Độc lập trọng đại cách đây 67 năm, bà lại là người được chọn để kéo lá cờ Tổ quốc?

- Việc tôi được chọn có thể ví như một duyên may. Ngày đó, tôi là Chủ tịch Hội Phụ nữ cứu quốc quận Hoàn Kiếm. Lễ mít tinh ngày 2/9/1945 có rất nhiều đoàn đại biểu tham dự, được xếp thành các hàng dọc. Ngẫu nhiên, đoàn Phụ nữ cứu quốc chúng tôi lại được xếp vị trí đầu tiên. Tôi là người phụ trách, phải đứng ngoài hàng để giữ trật tự. Khi chương trình chuẩn bị diễn ra thì có một đồng chí xuống yêu cầu chọn trong đoàn một người lên kéo cờ. Và mọi người đã nhất thanh chỉ định tôi.

Cảm giác của bà lúc đó thế nào ạ?

- Bây giờ khi nghĩ lại, tôi rất tự hào vì có được vinh dự đó. Nhưng thú thực là ngày đó, tôi cảm thấy rất lo lắng vì chưa bao giờ làm công việc này. Thực ra tôi cũng từng kéo cờ trong lễ chào cờ đầu tuần khi còn học tại trường Nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường Tiểu học Trưng Vương), nhưng ngày đó chúng tôi kéo cờ Tây linh tinh lắm, vì chúng tôi thích trêu tức bọn Pháp. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong bản Tuyên ngôn Độc lập, chị Loan (bà Đàm Thị Loan) thấp nên đứng dưới nâng cờ, còn tôi cao hơn, đứng trên từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên trong nền nhạc quốc ca. Phải tới khi lá cờ lên tới đỉnh, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Gặp lại người kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập - Ảnh 1

Bà Lê Thi nhắc lại kỷ niệm về tấm hình chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng, kỷ niệm nào khiến bà cảm thấy nhớ nhất?

- Bố tôi là nhà giáo Dương Quảng Hàm định hướng tôi trở thành một giáo viên. Tuy nhiên, tôi lại luôn mong muốn được trở thành cán bộ hội phụ nữ. Chính vì vậy, tôi tham gia công tác đoàn hội từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau khi học xong lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ-PV), tôi được cử lên hoạt động và giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Vĩnh Yên. Sau khoảng hai năm, tôi chuyển công tác lên làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang. Những ngày đầu tham gia vận động chị em phụ nữ ở Vĩnh Yên, tôi phải "khai gian" là chỉ biết đọc, biết viết chứ không dám nói là đã học xong lớp 10. Lý do là bởi ở những nơi đó, chị em phụ nữ không có cơ hội được đến trường. Tôi sợ nếu nói mình học cao quá sẽ khó gần các chị em. Gia đình tôi cũng thuộc tầng lớp trí thức nên công việc đồng áng, tôi không biết chút xíu nào cả. Lên đó, tôi được chị em dạy cho làm đồng, chăn bò, cấy lúa, cùng rất nhiều công việc đồng áng khác mà trước đó tôi chỉ nghe nói. Đó là những kỷ niệm rất vui trong những ngày đầu tôi tham gia hoạt động cách mạng. 

Về hưu từ năm 2000, năm nay đã ngoài 86 tuổi, bà còn tham gia công tác xã hội nào khác nữa không?

- Sau khi rời Viện Triết học, tôi tiếp tục đọc báo chí mỗi ngày để nắm biết tình hình xã hội, nghiên cứu và viết sách. Mới đây nhất là cuốn "Công bằng xã hội và bình đẳng giới" ra đời vào cuối năm 2011. Tôi cũng thường xuyên viết bài cho các báo và tạp chí như Tạp chí Triết học, Tạp chí Gia đình & giới, báo Phụ nữ Việt Nam… Thi thoảng cũng được con cháu đưa đi du lịch nhưng ở tuổi này thì cũng không đi được đâu xa. Tôi không thích ngồi không vì như thế buồn lắm! Nói chung là cuộc sống không quá bận nhưng không rỗi rãi đến mức không có việc gì để làm.

Xin cảm ơn bà!

 
GS Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, sinh năm 1926 tại Hà Nội, là con gái cố GS Dương Quảng Hàm. Bà từng giữ chức Viện trưởng Viện Triết học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) từ năm 1962 đến năm 1987. Là người đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ (nay là Viện Gia đình và Giới); tham vấn tại Viện tới năm 2000 thì nghỉ hưu.