Gặp người chỉ huy trực tiếp đánh chiếm cầu Rạch Chiếc

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 46 năm sau chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, non sông thu về một mối nhưng những ký ức về trận đánh chiếm giữa và bảo vệ cầu Rạch Chiếc để đại quân giải phóng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập đối với người lính đặc công Nguyễn Văn Thuật vẫn vẹn nguyên ký ức.

Một ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Thuật (Hai Thuật) một người con Hà Nội đã tực tiếp chỉ huy trận đánh chiếm, giữ cầu Rạch Chiếc, nơi có vị trí hết sức trọng yếu, cửa ngõ phía Đông để đoàn quân Giải phóng tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn.
 Ông Nguyễn Văn Thuật và đồng đội đến thắp hương bia tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh bảo vệ cầu Rạch Chiếc. Ảnh: Hồng Oanh
Ông Nguyễn Văn Thuật sinh năm 1942, tại thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Trước khi nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, ông là Bí thư Đoàn xã kiêm Chính trị viên xã đội Chuyên Mỹ. Đầu năm 1968, nhằm bổ sung cán bộ đảng viên cho lực lượng đặc công biệt động ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Thuật được lệnh gọi nhập ngũ, sau 2 tháng huấn luyện được phân công về Đoàn 320 binh chủng đặc công. Trải qua nhiều trận đánh ác liệt tại chiến trường Đông Nam Bộ, năm 1971 ông Hai Thuật được điều về bám trụ, nằm vùng tại địa bàn Thủ Đức (cửa ngõ phía Đông Bắc Sài Gòn). Trong suốt 5 năm bám trụ tại vùng bưng Thủ Đức, được Nhân dân bao bọc, ông đã chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng khiến chính quyền Việt Nam cộng hòa khiếp sợ và treo giải thưởng rất lớn cho những ai tiêu diệt được Hai Thuật.

Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, tháng 10/1973 ông Nguyễn Văn Thuật được trên giao giữ chức Tham Mưu trưởng Tiểu đoàn 81, thuộc Lữ đoàn đặc công 316 tiếp tục chỉ huy đơn vị bám trụ đánh địch khu vực Đông Bắc Sài Gòn. Mùa Xuân năm 1975, sau khi bị mất toàn bộ quân khu 1 và 2, một nửa binh lực của Việt Nam cộng hòa đã bị tiêu diệt, trong thế tan rã chiến lược không thể cứu vãn nổi, địch vẫn ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể mặc cả với ta trong trường hợp dẫn đến thương lượng hòa bình.

Ngày 21/4/1975, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. Sau khi thất tại mặt trận Xuân Lộc, địch chủ trương nếu quân giải phóng vượt qua được cầu Đồng Nai sẽ cho đánh sập cầu Rạch Chiếc để không thể tiến thẳng vào Sài Gòn.

Nắm rõ được âm mưu của địch, ngày 25/4, đơn vị ông Hai Thuật nhận lệnh bằng mọi giá phải đánh chiếm và giữ được cầu Rạch Chiếc. Sau hai ngày trinh sát nắm bắt tình hình quân địch, suốt từ đêm 27 đến trưa 30/4/1975, ông Hai Thuật đã chỉ huy trực tiếp 115 chiến sĩ Tiểu đoàn 81 và phối hợp với Z22, Z23 Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 chiến đấu ngoan cường với lực lượng địch đông gấp nhiều lần (gồm cả quân mặt đất, mặt nước và trên không). Cuộc chiến giằng co, ác liệt, cuối cùng bộ đội ta đã chiếm giữ, bảo vệ an toàn cây cầu, để trưa 30/4/1975 đón những chiếc xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) dẫn đầu tiến vào giải phóng Sài Gòn. Dù vậy, 52 cán bộ, chiến sĩ đặc công biệt động đã hy sinh, nhiều liệt sĩ đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.

Đến nay, mặc dù đã 80 tuổi nhưng ông Thuật vẫn không muốn xa cây cầu này nên vẫn ở lại và làm việc tại trụ sở của tổ bảo vệ dân phố của Khu phố 7, phường Trường Thọ (TP Thủ Đức), chỉ cách cầu Rạch Chiếc hơn 500m. Trong suốt nhiều năm qua cứ đến chiều 27/4, ông và các đồng đội lại lặng lẽ sửa soạn nhang đèn đến bia tưởng niệm dưới chân cầu Rạch Chiếc để tưởng nhớ đồng đội mình đã hy sinh trong trận đánh ác liệt cuối cùng để quân ta tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần