Thưa ông, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều NLĐ làm việc ở nhà hàng, khách sạn thất nghiệp. Làm sao để giải bài toán này?
- Bài toán đầu tiên là đối với các DN có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là phải xử lý ngay chính sách BHTN để NLĐ có lương, những DN có điều kiện thì có thể đào tạo lại những lao động đó. Trường hợp NLĐ không nhận tiền lương ăn, chúng ta dùng tiền đó để đào tạo nghề cho họ tìm kiếm việc làm mới.
Tôi nghĩ, chắc chắn sau dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn không thu hút được lao động hiện tại. Cộng với việc Nhà nước có chính sách phòng chống tác hại của rượu bia, người dân không uống bia nhiều, dẫn đến những NLĐ làm việc ở các nhà hàng bị giãn ra. Vì thế, chúng ta phải dùng giải pháp trợ cấp thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại lực lượng lao động này, mới có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Cũng như tránh tình trạng NLĐ rơi vào tình cảnh không có việc làm, gặp khó khăn.
Khi dịch Covid-19 kéo dài, NLĐ cần phải thay đổi kỹ năng ra sao để không bị phụ thuộc vào những công việc giản đơn?
- Chúng ta đã có bài học hết sức sâu sắc từ dịch SARS trước đây. Rõ ràng, khi có biến cố dịch bệnh, việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu là hết sức quan trọng. Cho nên, chiến lược phát triển nguồn nhân lực không chỉ là ngắn hạn, hiện tại mà cần có dài hạn và tương lai.
Bài học từ dịch Covid-19, rõ ràng có hai luồng. Một luồng là bản thân NLĐ đang nằm tại vùng có dịch xảy ra, ví dụ như Vĩnh Phúc không thể chuyển vào các khu công nghiệp, nhà máy để làm việc vì thực hiện cách ly. Một luồng là các lao động làm việc trong những DN FDI về quê dịp Tết và quay trở lại thời điểm này, thực hiện cách ly (đối với những người đến từ vùng dịch). Cho nên, DN không chỉ sử dụng lao động hiện tại mà phải có chiến lược thu hút NLĐ tại chỗ và ở những vùng không có dịch chuyển vào thay thế.
Cần giải pháp dài hơi về nguồn nhân lực
Thưa ông, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quyết định phát triển nền kinh tế đất nước, chúng ta cần có chiến lược lâu dài như thế nào?
- Chúng ta phải chuẩn bị hết sức dài hơi về nguồn nhân lực với hai lý do. Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực hiện tại của chúng ta rất thấp. Lao động qua đào tạo chiếm tới 60% trong tổng số NLĐ trong độ tuổi làm việc. Nghe qua thì lớn nhưng gốc, lõi của vấn đề chỉ có 25% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; ít khi rơi vào tác động của khủng hoảng, kể cả về kinh tế, dịch bệnh. Còn lại 35% NLĐ trong tổng số 60% NLĐ qua đào tạo là không có nghề, rất khó để thay đổi.
Cho nên, để xử lý vấn đề này, DN cần có phương pháp quản trị DN. Đó là phải đào tạo lao động có nghề chủ lực và nghề hiểu biết để khi không may nghề đang làm bị chuyển dịch thì lập tức có người thay thế. Hoặc DN phải chuẩn bị chiến lược đào tạo lại ngay để xử lý vấn đề. Chúng ta hoàn toàn có kinh phí để thực hiện việc này nhưng phải có chương trình, kế hoạch và bản thân các DN nhận thức được vấn đề. Thứ nữa, Chính phủ và các cơ quan của quản lý Nhà nước giúp định hình chính sách, chương trình, kế hoạch và có giải pháp hết sức bài bản để giúp cho DN phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Chúng ta đang có 70.000 tỷ đồng quỹ BHTN, quỹ này không chỉ là để dành cho NLĐ khi thất nghiệp. Gốc rễ của nguồn quỹ này là đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ trở lại thị trường lao động. Cho nên DN cần đào tạo lao động cho mình, cho thị trường và NLĐ chưa có nghề mới vào làm. Chính những hoạt động đào tạo này tạo cho DN có sự chủ động; khi không may có bất trắc, khủng hoảng, dịch bệnh xảy ra... thì DN có thể sử dụng được lao động ngay. Đó chính là ý nghĩa của Quỹ BHTN, để phòng ngừa thất nghiệp, giúp NLĐ luôn có việc làm. |