Gấp rút thí điểm 4G kết nối với người dân

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hà Nội đang gấp rút nghiên cứu triển khai việc kết nối cung cấp thông tin, dịch vụ công cho người dân bằng công nghệ 4G và sẽ được thí điểm từ 1/4/2017 tại 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Với nhiều người dân, đây là chủ trương được họ rất mong đợi.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở TT&TT Hà Nội phối hợp VietinBank, Tập đoàn Viettel và đơn vị liên quan nghiên cứu kết nối qua công nghệ 4G, để cung cấp cho người dân các thông tin quan trắc môi trường: Chất lượng không khí, chất lượng nước, lượng mưa, bản đồ ngập úng... và các nội dung thông tin tuyên truyền khác.

Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Ba Đình. Ảnh:  Thanh Hải

Việc kết nối và cung cấp cho người dân thông tin và dịch vụ bằng công nghệ 4G sẽ góp phần thay thế dần hệ thống loa phường, đồng thời, hỗ trợ người dân thực hiện thanh toán qua mạng hoặc qua thẻ tiền điện, nước, thu gom rác thải và các dịch vụ công cộng khác... khuyến khích hình thức thanh toán qua thẻ. Đây là một trong những chỉ đạo nhằm thúc đẩy chương trình ứng dụng CNTT của Hà Nội trong năm 2017.
Trước thông tin này, rất nhiều người dân bày tỏ hy vọng sau khi thí điểm tại Hoàn Kiếm và Ba Đình, TP sẽ triển khai tại nhiều địa bàn khác. “Việc thí điểm kết nối cung cấp thông tin cho người dân qua công nghệ 4G là chủ trương rất đúng đắn và phù hợp với xu thế của nhiều nước phát triển. Hy vọng chủ trương này sẽ được triển khai sớm” – ông Nguyễn Đức Hùng (Láng Hạ, Đống Đa) chia sẻ. Tuy nhiên, để triển khai trên nền tảng 4G đòi hỏi các bên cần có phương án cung cấp thiết bị đảm bảo cho việc kết nối 4G.
Viettel hiện được xem là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sản xuất bộ thu phát sóng 4G. Thiết bị hạ tầng cho mạng 4G (trạm thu phát vô tuyến 4G macro) này có tính năng như của các nhà sản xuất khác trên thế giới. Trong quý I/2017, tập đoàn này thử nghiệm mạng lõi 4G (EPC) và thiết bị truyền dẫn Site Router, từ năm 2018 sẽ thay thế thiết bị mạng lõi nhập ngoại bằng sản phẩm do DN sản xuất. Và đến năm 2020, 70% hạ tầng viễn thông của Viettel là tự nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thay vì phải mua của các nhà cung cấp khác như ở giai đoạn công nghệ 2G và 3G.
Hiện tại, Sở TT&TT Hà Nội đang gấp rút làm việc với các bên liên quan để sớm thực hiện chỉ đạo của TP. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, hiện Sở đã làm việc với Viettel để có phương án triển khai cụ thể và đang chờ chỉ đạo của TP để thống nhất việc thực hiện. Ngay khi có thông tin đầy đủ sẽ tuyên truyền rộng rãi tới người dân.
Không chỉ kết nối công nghệ 4G, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chủ động, phối hợp với Sở TT&TT, Sở VHTT&DL triển khai lắp đặt màn hình cảm ứng để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công tại các khu chung cư theo hướng xã hội hóa. Triển khai thí điểm việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ công tại một số tổ dân phố.
Năm 2017, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3 đối với 40% trong tổng số khoảng 1.800 dịch vụ hành chính công của toàn TP. Theo kế hoạch, riêng trong quý I/2017, Hà Nội triển khai cung cấp 120 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, chia làm 3 đợt. Trong đó, đợt 1 vận hành chính thức từ ngày 19/1/2017, gồm 27 dịch vụ công; đợt 2 vận hành chính thức từ ngày 1/3/2017, gồm 20 dịch vụ công; và đợt 3 vận hành chính thức từ ngày 15/3/2017 gồm 73 dịch vụ công.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần