Gạt bỏ lo ngại bất ổn tại Mỹ, chứng khoán châu Á tăng chạm đỉnh 3 tháng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên 1/6 nhờ kỳ vọng vào nền kinh tế thế giới sớm phục hồi khi các nước nới lỏng lệnh phong tỏa.

Cổ phiếu châu Á tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng ở phiên giao dịch đầu tuần khi tâm lý lạc quan từ việc khởi động lại hoạt động kinh tế lấn át lo ngại leo thang các cuộc biểu tình bạo lực tại nhiều TP của Mỹ và căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/5 cho biết, ông sẽ hành động để chấm dứt ưu đãi đặc biệt dành cho Hồng Kông. Tuy nhiên, ông Trump không đề cập đến việc chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ kỳ với Trung Quốc tháng 1 năm nay, tạm thời xua đi một mối lo ngại của các nhà đầu tư.
Chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên 1/6.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã nhen nhóm gần đây khi ông Trump chỉ trích các phản ứng của chính phủ Trung Quốc đối với sự bùng phát của Covid-19. Quốc hội Mỹ cũng cực lực phản đối dự luật an ninh quốc gia Hồng Kông.
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên sáng đầu tuần 1/6, với chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,2%.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,1% (22,65 điểm) lên 21.900,54 điểm trong bối cảnh giới đầu tư tìm kiếm manh mối về xu hướng giao dịch trong ngày sau phiên đóng cửa trái chiều tại New York.
Các nhà phân tích tại Mizuho cho hay các thị trường đã bớt căng thẳng hơn khi cuộc họp báo liên quan đến vấn đề Hồng Kông của Tổng thống Mỹ cuối tuần trước không có thêm nội dung nào khác ngoài thông tin Mỹ rút lại quy chế đặc biệt đối với Hồng Kông.
Thông tin này đã giúp nâng chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản nhảy vọt 2,1% lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 leo dốc 1,1% chạm mức cao nhất trong 3 tháng.
Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc cũng tăng 1,34% mặc dù Reuters ngày 1/6 cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng 5 đã giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu này thấp hơn dự báo 22,1% theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến của Reuters. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australian cộng 0,64%.
Thị trường cổ phiếu giao dịch khởi sắc trong phiên này cũng nhờ thông tin hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ tăng trong tháng 5.
Tăng mạnh nhất trong khu vực là chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) với mức tăng 3,6% trong phiên ngày 1/6. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc đại lục và các sàn chủ chốt trong khu vực cũng chứng kiến mức tăng mạnh, chỉ số Thượng Hải nhích 2,2%.
Các nhà đầu tư đã có tâm lý lạc quan hơn sau khi các số liệu mới công bố cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 5 tăng mạnh hơn dự báo. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phục hồi nhanh hơn lực cầu với tốc độ tăng sản lượng nhanh nhất kể từ tháng 1/2011.
Trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát cuộc họp của  Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) diễn ra vào ngày 4/6 và số liệu việc làm cũng như lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ, dự kiến công bố ngày 4 và 5/6.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm còn 98,014 điểm từ mức 99,6 điểm ghi nhận vào tuần trước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần