GDP 6 tháng năm 2019 ước tăng 6,76%: Tín hiệu khả quan

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng trưởng quý II ước đạt 6,71%. Từ số liệu này cho thấy, tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Điều đó chứng tỏ tăng trưởng có xu hướng thấp xuống. Tuy vậy, tốc độ tăng GDP của 6 tháng đầu năm nay vẫn thuộc loại cao và là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng 6,6 - 6,8%).

 May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Đức Giang. Ảnh: Trần Dũng
Theo nhóm ngành, tăng trưởng GDP đạt được ở cả 3 nhóm gồm: Nông, lâm nghiệp - thủy sản mặc dù tăng thấp nhất trong 3 nhóm ngành, trong đó nông nghiệp tăng thấp nhất. Cụ thể nông nghiệp tăng 1,3%, lâm nghiệp tăng 4,15%, thủy sản tăng 5,45% nhưng tăng trong điều kiện có nhiều khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra là một cố gắng. Bởi sản lượng lúa giảm do nắng nóng quá mức vào lúc trổ bông, một số cây ăn quả (nhất là vải, nhãn...) giảm sản lượng dẫn đến xuất khẩu nhiều loại nông sản bị giảm; ngành chăn nuôi lợn cũng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch tả lợn châu Phi với số lợn bị chết và tiêu hủy chiếm gần 10% tổng đàn.
Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tiếp tục tăng khá, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất (11,8%), bao gồm những ngành có lợi thế sử dụng nhiều lao động (như dệt may, giày dép,...); Ngành khai khoáng đã tăng 1,78%, nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn trước. Nhóm ngành dịch vụ tiếp tục tăng khá, trong đó có một số ngành tăng cao hơn (như thương nghiệp, vận tải kho bãi, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...).
Theo các yếu tố tăng trưởng bao gồm các yếu tố ở đầu vào và đầu ra đã có sự cải thiện. Cụ thể, quy mô vốn đầu tư biểu hiện bằng vốn thực hiện/GDP ở mức 33,1% - nằm trong mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (33 - 34%). Cơ cấu vốn đầu tư có sự cải thiện, khi tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt cao (43,6%); tiếp đến là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI (25,4%) nhờ vốn đăng ký đạt quy mô lớn (10,35 tỷ USD, gồm đăng ký mới 7,41 tỷ USD, đăng ký bổ sung 2,94 tỷ USD). So với cùng kỳ năm trước, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,3%, trong đó từ nguồn Nhà nước tăng 3%, từ FDI tăng 9,7%, từ kinh tế ngoài Nhà nước tăng 16,4%. FDI tính bằng USD theo đăng ký giảm sâu 36,3%, trong đó đăng ký mới tăng 37,2%, bổ sung giảm 33,8%, thực hiện đạt 9,1 tỷ USD, tăng 8,1%.
Tiêu thụ trong nước thể hiện chủ yếu là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng cao (11,5%); nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng 8,7%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa đạt quy mô lớn (122,72 tỷ USD) và tăng trưởng khá (7,3%). Xuất khẩu dịch vụ đạt 7,9 tỷ USD, tăng 6,2%.
Bên cạnh những kết quả tích cực và tín hiệu khả quan, từ kinh tế 6 tháng cũng cảnh báo một số vấn đề. Đó là chất lượng tăng trưởng vẫn còn thấp; Suất đầu tư tăng trưởng vẫn còn cao (4,9 lần). Thực hiện vốn đầu tư ngân sách đạt thấp (36,8%) so với kế hoạch năm và tăng thấp 3,7%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì không tăng so với cùng kỳ. Dịch vụ vẫn còn nhập siêu và tăng so với cùng kỳ (3 tỷ USD so với 1,15 tỷ USD); hàng hóa chuyển từ xuất siêu lớn của cùng kỳ năm trước (3,27 tỷ USD) sang nhập siêu nhẹ (43 triệu USD). Nhập siêu từ Trung Quốc tăng cao (20 tỷ USD so với 13,6 tỷ USD)...