GDP Trung Quốc tăng bình quân 7,7%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong ba quý đầu năm 2012, giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Trung Quốc tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2011, với GDP đạt 35.348 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 5.665 tỷ USD).

Đây là phát biểu của người phát ngôn Thịnh Lai Vận của Cục thống kê nhà nước Trung Quốc tại buổi họp báo ở Văn phòng Báo chí Chính phủ Trung Quốc ngày 18/10.
GDP Trung Quốc tăng bình quân 7,7% - Ảnh 1
Rau củ được bán tại một khu chợ ở Thượng Hải ngày 18/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc đã có sự thay đổi tích cực theo hướng đi vào ổn định, kết cấu kinh tế được điều chỉnh nhanh hơn, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Trước đó một này, Thủ tướng Ôn Gia Bản được báo chí dẫn lời nói rằng kinh tế nước này bắt đầu ổn định trong ba tháng qua, đang tiếp tục đà này và sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay.

Trung Quốc đạt mức tăng trưởng trung bình 7,7% trên cơ sở tăng trưởng của ba quý đầu năm tăng lần lượt là 8,1%, 7,6% và 7,4%.

Ông Thịnh Lai Vận cũng cho biết, sản lượng lương thực vụ Hè của cả nước đạt 129,95 triệu tấn, tăng 3,56 triệu tấn (tăng 2,8%); sản lượng lúa sớm đạt 33,29 triệu tấn, tăng 536.000 tấn (1,6%); sản xuất lúa vụ Thu có triển vọng tiếp tục bội thu.

Trong ba quý nói trên, nhịp độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp toàn quốc của Trung Quốc giảm nhẹ, lợi nhuận của doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2011 cũng giảm.

Trong tháng Chín vừa qua, giá trị công nghiệp của Trung Quốc tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, thương mại là lĩnh vực "xương sống" của nền kinh tế Trung Quốc, với xuất khẩu đóng góp 31% GDP cho nước này trong năm 2011 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới - WB) và hỗ trợ khoảng 200 triệu việc làm ở nước này.

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 9,9% trong tháng 9/2012 lên mức cao kỷ lục 186,4 tỷ USD nhưng các nhà phân tích cho rằng đà tăng này không thể duy trì trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục yếu kém.

Giới chức Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng như cắt giảm lãi suất hai lần liên tiếp trong năm nay và giảm lượng vốn dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng ba lần kể từ tháng 12/2011 nhằm tăng nguồn cung tín dụng.

Đánh giá lạc quan về xuất khẩu, mới đây Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh nói rằng các sáng kiến của chính phủ nhằm bình ổn tình hình cho các nhà xuất khẩu bắt đầu phát huy hiệu quả.

Trước đó, các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc đã đánh giá tình hình xuất khẩu là "ảm đạm" và có thể đất nước không đạt được mục tiêu tăng trưởng thương mại 10% trong năm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần