GELEX - Bước nhảy vọt sau tái cấu trúc

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu trở thành tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, một thương hiệu quốc gia mang tầm quốc tế, Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) mặc dù không ngừng đẩy mạnh việc mở rộng hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư bất động sản, dịch vụ cảng logistics, đầu tư năng lượng và tài chính, song vẫn chọn sản xuất thiết bị điện - ngành hàng thế mạnh, có truyền thống là chủ lực, vươn lên dẫn đầu thị trường, sau hơn một năm chuyển đổi chủ sở hữu.

Từ “quả đấm” chủ lực

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Giám đốc GELEX, thực hiện tái cấu trúc sau khi Bộ Công Thương thoái vốn hoàn toàn khỏi Tổng Công ty vào cuối năm 2015, GELEX hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế tư nhân, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành. Thế nhưng ngành hàng dây và cáp điện CADIVI vẫn là "quả đấm” chủ lực của GELEX. Năm 2016 CADIVI đạt tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 5.631 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 239 tỷ đồng, tăng 40,5% so với mức 170 tỷ đồng năm 2015. Được đầu tư các công nghệ hàng đầu trong ngành sản xuất dây cáp điện với trang thiết bị máy móc chuẩn Âu, Mỹ và 3 nhà máy, 2 công ty thành viên cùng hệ thống phân phối hơn 2.000 đại lý trải rộng khắp cả nước, CADIVI 3 năm liên tiếp giữ vững danh hiệu "Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam”, liên tục được vinh danh lại các giải thưởng lớn và các hoạt động xã hội.
 
Tương tự, ngành hàng máy biến áp THIBIDI và HEM cũng đã có bước tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, năm 2016, THIBIDI có tổng doanh thu thuần đạt 2.535 tỷ đồng, tăng 26,6% so với mức 2.002 tỷ đồng năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt 210 tỷ đồng, tăng 31,2% so với mức 160 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; Doanh thu thuần hợp nhất của HEM đạt gần 683 tỷ đồng, tăng 20 % so với mức 567 tỷ đồng cùng kỳ 2015 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 68 tỷ đồng, tăng 19% so với mức 57 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015. Mới đây, ngày 15/6/2017, THIBIDI chính thức giao dịch trên sàn HOSE, với mã THI và giá thị trường là 50.000 VND/cổ phiếu.

Cũng theo ông Tuấn, từ năm 2016, trước bối cảnh không còn các gói thầu công tơ cơ khí của 5 Tổng Công ty phân phối thuộc EVN, Công tơ cơ khí chủ yếu bán lẻ và một số gói thầu sử dụng vốn dư của dự án điện nông thôn nên số lượng nhỏ, GELEX-EMIC đã định hướng trở thành công ty công nghệ cao với các sản phẩm điện tử thông minh. Trong năm qua, GELEX EMIC đã nghiên cứu, sản xuất thành công thêm 06 loại công tơ điện tử 1 pha, 3 pha thông minh đa chức năng với chất lượng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phê duyệt mẫu, được lắp đặt thử nghiệm trên lưới điện. Doanh thu thuần năm 2016 của EMIC (từ 01/9/2016 – 31/12/2016) là 209,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 58,7 tỷ đồng.

 Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX)

“Năm 2017 và những năm tiếp theo là thời gian đầy thách thức với GELEX. Chúng tôi tập trung mọi nguồn lực, giữ vững sự ổn định sản xuất các sản phẩm truyền thống, mạnh dạn mở rộng các lĩnh vực mới. Đồng thời, không ngừng nâng cao năng lực quản lý theo hướng chuyên nghiệp; tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá. GELEX cũng không quên chú trọng các hoạt động an sinh xã hội; quan tâm và nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên. Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 13 triệu đồng/tháng, chúng tôi phấn đấu tiếp tục cải thiện con số này để người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến lâu dài cho GELEX”.

“Điểm nhấn của GELEX sau khi thực hiện tái cấu trúc, đó là việc cho ra đời 2 sản phẩm: Công tơ điện tử thông minh công nghệ RF-MESH và hệ thống thu thập dữ liệu công tơ tự động R của GELEX-EMIC và máy biến áp hiệu suất cao sử dụng lõi tôn vô định hình (Amorphous) của Công ty CP Thiết bị điện (THIBIDI) được người tiêu dùng đánh giá cao. Trong đó, sản phẩm công tơ điện tử giúp góp phần vận hành hệ thống điện hiệu quả và tiết kiệm thời gian ghi số công tơ, từ đó tiết kiệm chi phí; máy biến áp Amorphous giảm tổn thất điện năng và làm giảm đáng kể lượng khí thải CO2 ra môi trường; góp phần tiết kiệm năng lượng điện, bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu thị trường.” – ông Tuấn cho biết thêm.

… đến chú trọng đầu tư

Với mục đích tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, GELEX đã nhìn nhận rõ cách thức căn bản nhất là cần phải tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ và tập trung phát triển sản phẩm mới; đặc biệt là xây dựng các nhà máy sản xuất quy mô lớn, thiết bị đồng bộ G7. Hiện, GELEX đang xây dựng nhà máy CADIVI miền Bắc với diện tích đầu tư 8ha ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; một nhà máy mới THIBIDI ở Long Đức, tỉnh Đồng Nai, trên diện tích 8ha, quy mô đầu tư 500 tỷ với thiết bị tự động công nghệ Đức.

Chiến lược của GELEX về mảng sản xuất thiết bị điện là điện dân dụng, xây dựng các nhà máy tập trung, sản xuất quy mô lớn, thiết bị sản xuất đồng bộ của G7 và xây dựng đội ngũ R&D để phát triển các sản phẩm mới.
Với lĩnh vực logistics, GELEX tập trung vào chuỗi dịch vụ khép kín, chú trọng đầu tư vào lĩnh vực vận tải hàng siêu trường siêu trọng với thương hiệu Vietranstimex, đầu tư vào vận tải đường thuỷ bằng xà lan với thương hiệu Sowatco. Sở hữu SOTRANS, GELEX đặt mục tiêu lọt vào top 3 DN logistics lớn nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, GELEX còn tập trung đầu tư phát triển thêm ngành động cơ điện với thương hiệu HEM và VIHEM. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu công nghệ và sản phẩm mới, thúc đẩy hợp tác với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, EU để chuyển giao công nghệ, bản quyền sản phẩm hướng tới tạo ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chủng loại đa dạng, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Được biết, với sự đầu tư phát triển đúng hướng, năm 2016, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của các công ty thành viên và toàn Tổng Công ty đều có sự tăng trưởng rõ nét. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2016 của GELEX là 9.814 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của GELEX đạt 579 tỷ đồng, tăng 26,9% so với mức 456 tỷ đồng của năm 2015. Năm 2017, GELEX đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 2017 là 10.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 1.050 tỷ đồng. Đồng thời, GELEX cũng đề ra các mục tiêu cho giai đoạn 3 năm 2017 - 2019, trong đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 sẽ là 1.389 tỷ đồng. 

Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) được thành lập năm 1990 tập trung các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kỹ thuật điện. Gần 30 năm hình thành và phát triển, hiện nay GELEX có 10 công ty thành viên, hoạt động đa ngành nghề: Thiết bị điện, Đầu tư năng lượng, Dịch vụ cảng - Logistics, Đầu tư bất động sản và Đầu tư tài chính. Doanh thu tăng trưởng hàng năm của GELEX liên tục đạt mức hai con số và hướng tới mục tiêu vượt ngưỡng 1 tỷ USD vào năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần