Ghé thăm khu nhà lưu niệm Á Nam Trần Tuấn Khải

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nữ sĩ Lan Hinh - Trần Thị Lan (con gái cụ Á Nam Trần Tuấn Khải), cách đây 30 năm đã về Việt Nam với tâm niệm xây dựng khu nhà lưu niệm với mục đích lưu giữ những giá trị thơ văn của cụ thân sinh và mong muốn nơi đây là một không gian giao lưu văn hóa đậm chất dân tộc.

Ngôi nhà lưu niệm cụ Á Nam Trần Tuấn Khải mang phong cách kiến trúc của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Á Nam Lưu niệm đường nằm tại số nhà 58/4, khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Đây là nơi tưởng nhớ, lưu giữ, bồi đắp những giá trị văn hóa của nhà thơ yêu nước Á Nam Trần Tuấn Khải và cũng là một không gian văn hóa đậm đà cốt cách dân tộc Việt Nam do chính con gái cụ dày công xây dựng.
Thơ Á Nam làm sứ mạng tuyên truyền lòng yêu nước
Nhà thơ yêu nước Trần Tuấn Khải, sinh năm 1895, quê ở Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là hậu duệ đời thứ 28 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Duyên nợ Phù sinh; Bút quan hoài; Tiễn chân anh Khóa; Gương bể dâu; Mừng anh Khóa về…
 
Trong sự nghiệp sáng tác, Trần Tuấn Khải có nhiều bút danh như: Côi Hoàng Khách, Đông A, Giang Hồ Khách… nhưng thường dùng là Á Nam. Ngoài viết truyện, làm thơ, soạn kịch, dịch sách, dạy học, Á Nam Trần Tuấn Khải còn tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1932, ông bị thực dân Pháp bắt giam hai tháng vì tội viết sách “phá rối trị an, xúi dân nổi loạn”.

Sau năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam sinh sống. Ở Sài Gòn - Gia Định, Trần Tuấn Khải đã có nhiều đóng góp cho đời sống văn hóa, văn nghệ như viết báo, tổ chức xuất bản, dịch tác phẩm Hán Nôm. Cũng chính trong thời gian này, cụ đã tham gia cách mạng hoạt động bán công khai và công khai tại Sài Gòn. Từ năm 1975 đến khi mất (1983), cụ Á Nam làm Chủ tịch danh dự của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Đến năm 1985, tên của cụ được sử dụng để đặt tên cho một con đường tại quận 5.
Giáo sư Trần Văn Giàu nhận xét: “Nhớ thuở chúng tôi còn là học trò, thơ của Á Nam làm sứ mạng tuyên truyền lòng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước, từ đó dần dần giác ngộ cách mạng. Thơ thời đó có cái “hồn” làm lay động lòng lòng người”.
Những bài thơ yêu nước nổi tiếng của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải.
Niềm trăn trở của nữ sĩ Lan Hinh về không gian văn hóa

Vào năm 1989, tình hình đời sống trong nước đang còn rất khó khăn. Với tấm lòng luôn đau đáu đối với việc lưu giữ, bảo tồn và bồi đắp những giá trị thơ văn của cha mình, bà Trần Thị Lan - bút hiệu Lan Hinh đã rời Mỹ về Việt Nam mua mảnh đất rộng gần 2.000m2 tại Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để xây dựng ngôi nhà lưu niệm mang tên “Á Nam Lưu niệm đường”.
Theo bà Lan Hinh lúc sinh thời cụ Á Nam Trần Tuấn Khải không thích sống trong nhà lầu cao tầng. Do đó, Lưu niệm đường Á Nam Trần Tuấn Khải mang phong cách kiến trúc vùng đồng bằng Bắc Bộ, với ngôi nhà gỗ đơn sơ, mộc mạc. Xung quanh khu nhà là bờ dậu trúc xanh mướt, với luống rau, luống cà.
 
Đến Á Nam Lưu niệm đường, mọi người có thể được lắng nghe những câu chuyện và những gợi ý của nữ sĩ Lan Hinh. Hiện, bà vẫn miệt mài chăm sóc kho tàng văn hóa của cha, với mong ước giữ gìn lại “chút vàng son” cho thế hệ sau.

Bà Lan Hinh chia sẻ: "Sau gần 30 năm tạo dựng không gian này, về cơ bản tâm nguyện tôi đã hoàn thành. Tuy nhiên, tôi rằng khi mình không còn khu nhà lưu niệm vẫn được con cháu và thế hệ sau bảo tồn và lưu giữ để cho mọi người đến sinh hoạt, giao lưu văn hóa".
Nữ sĩ Lan Hinh - Trần Thị Lan con gái nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải.
Chia sẻ với những trăn trở của bà Lan Hinh nhằm bào tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa này nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã cho rằng: "Á Nam lưu niệm đường được bà Lan Hinh dày công xây dựng trong suốt 30 năm qua. Đó là một điều hết sức trân quý. Tuy vậy, không gian văn hóa này về quy mô cũng như cách thức quản lý mang tính chất gia đình. Cho nên, để bảo tồn và phát huy không gian văn hóa quý giá này một cách lâu dài cần phải có ban quản lý nhà lưu niệm và hoạt động theo phương pháp xã hội hóa với nhiều đối tượng tham gia như gia đình, các tổ chức giáo dục, Hội nhà văn của TP Hồ Chí Minh…".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần