Ghi chép ở làng hoa Tây Tựu

Nhà văn Y Mùi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một buổi sáng tháng Năm. Trong cái nắng đầu hè oi ả, đoàn văn nghệ sỹ Thủ đô về thăm quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Cánh đồng hoa của làng nghề Tây Tựu là một trong những địa điểm đoàn văn nghệ sỹ ghé thăm.

 Vườn hoa Tây Tựu. Ảnh: Y Mùi
Dưới nắng hè chói chang, cánh đồng hoa vẫn chủ đạo một màu xanh mát mắt cùng những bông hoa nở muộn trái mùa khoe sắc hường. Hương thơm dìu dịu quấn bước chân người. 
Những người chủ các thửa ruộng trồng hoa vẫn đang miệt mài chăm bẵm vun gốc, tỉa cành, bứt lá loại đi những chi tiết không còn giá trị cho cây.

Hình như những người chủ vườn, ai nấy đều khăn mũ kín mít mặt mày và không mấy ảnh hưởng bởi đoàn tham quan. Hình như họ không quan tâm nhiều đến sự có mặt của đoàn người gần bốn chục vị, chỉ nhìn cũng biết là vừa mới từ phố về. Ai cũng áo quần tươm tất, máy ảnh chuyên dùng, điện thoại thông minh lăm lăm trong tay nhằm chớp những tấm hình đặc sắc. Một số nhà văn, nhà báo luôn sẵn sàng bút sổ để ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, còn các chị văn nghệ sỹ váy áo xênh xang cùng guốc giầy cao gót điệu đà.

Tôi tự hỏi, phải chăng chuyện thăm thú vườn hoa của khách vãng lai giống như này đã là chuyện thường ngày trên cánh đồng hoa của họ?! Khi chúng tôi cất tiếng chào thì họ ngẩng lên đáp lời cùng với những đôi mắt lấp lánh sáng, một thứ ánh sáng trong veo thân thiện rồi họ lại nhanh chóng cúi xuống tiếp tục công việc đang làm. Những người nông dân hiếu khách mau miệng còn thưa thốt: “Các bác đi thăm vào đúng mùa hoa thì mới đẹp. Mùa này chụp ảnh không đẹp đâu”.

Và tôi, người chắp bút bài viết này đã đọc được trong đôi mắt của những người nông dân lật đất làm giàu bằng chính bàn tay của họ rằng, các bác cứ xem đi, cứ ngắm đi và cứ hỏi chúng tôi rất sẵn sàng trả lời bất cứ điều gì các bác quan tâm. “Liệu các bác có giúp được gì cho chúng tôi không? Hay chỉ cưỡi ngựa xem hoa cho vui như vậy?”.

Chào tạm biệt những người chủ vườn hồng, vườn cúc chỉ còn thưa thớt những bông hoa nở muộn màng trái vụ, chúng tôi ghé thăm vườn hoa đồng tiền được quây kín nghiêm cẩn và che bằng mái ni nông. Trên những luống hoa lá ken dày kín đất xanh thẫm là những bông đồng tiền kép đa màu sắc to gần bằng bông hoa cúc vươn lên cao trên thảm lá xanh rờn.

Đón chúng tôi bên thảm lá xanh điểm những bông hoa nở muộn là người đàn ông trung niên, ăn vận trông rất giống một công chức (sơ vin quần ka ki, áo sáng màu) cùng nụ cười tươi tắn. Trên tay ông là bó hoa thắm đủ 5 sắc màu vừa hái từ mặt luống nơi ông đang đứng.

Sau vài câu xã giao tìm hiểu, tôi được biết ông là Nguyễn Phan Tửu. Đã ở độ tuổi U60 nhưng trông diện mạo thì còn rất trẻ, chỉ đoán người đang ở tuổi ngoài 40. Xem cách ăn mặc, cách giao tiếp và cử chỉ thì không thể nghĩ người đang tiếp xúc với ta là một nông dân thứ thiệt. Hơn thế, ông Tửu còn là một trong số nông dân triệu phú của làng hoa Tây Tựu. Mỗi năm ông thu hoạch đôi ba trăm triệu chỉ từ hoa các loại.
 Đoàn văn nghệ sỹ tham quan vườn hoa đồng tiền của người dân Tây Tựu.
Bà Nguyễn Thị Liên - Trưởng phòng kinh doanh của quận Bắc Từ Liêm là người được UBND quận Bắc Từ Liêm phân công đưa đoàn văn nghệ sỹ Thủ đô đi thâm nhập, tìm hiểu thực tế tại một số địa bàn của quận. Bà Liên cho biết, nông dân Tây Tựu đã thuê đất ở các xã lân cận thuộc huyện Đan Phượng và Hoài Đức để mở rộng diện tích sản xuất hoa.
Một số chủ cơ sở sản xuất hoa của làng hoa Tây Tựu mang giống hoa ly mới cùng kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm trồng hoa lên tận Sa Pa. Kết quả thật bất ngờ! Rất khó phân biệt được đâu là hoa từ Đà Lạt và đâu là hoa từ Sa Pa.

Nếu như trước đây hoa chỉ trồng có hai vụ là Thu Đông và Đông Xuân thì hiện nay hoa ở Tây Tựu đã được trồng và bán quanh năm. Có được điều đó là nhờ vào sự chuyển giao công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến và các giống hoa được nhập về kịp thời.

Đất trồng hoa ở làng nghề Tây Tựu bây giờ cũng vẫn một nắng hai sương, như chính những người nông dân cần mẫn của làng hoa. Hơn thế, đất nông nghiệp quy hoạch cho trồng hoa ở Tây Tựu bây giờ đã không còn được nghỉ ngơi, phơi ải chờ mùa như trước đây để mỗi năm chỉ cho 2 vụ gieo trồng và thu hoạch. Người nông dân nơi đây không có ngày nông nhàn thư thả. Đầu mùa hè và suốt cả 3 tháng hè đất trồng hoa vẫn luôn được phủ một màu xanh cây lá, thắm nụ đẹp hoa các loại.

Hiện trong toàn quận Bắc Từ Liêm đất quy hoạch cho sản xuất hoa vào khoảng 500ha, chiếm gần 1/3 diện tích nông nghiệp; cơ cấu đất trồng lúa đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn khoảng 54ha; ngoài hoa và lúa ra, đất nông nghiệp của quận được cơ cấu trồng cây ăn quả (350ha), sản xuất rau xanh và rau thơm các loại (200ha). Người dân Tây Tựu còn mở rộng diện tích trồng hoa bằng cách thuê đất nông nghiệp của các xã lân cận thuộc 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức (khoảng gần 300ha).

Mỗi năm người nông dân của quận Bắc Từ Liêm thu nhập bình quân 700 triệu đồng/ha đất trồng hoa. Một con số rất khích lệ đối với những người nông dân đắm đuối với hoa. Đó cũng là con số mà những người trồng lúa và hoa màu khác mơ ước. Thu nhập bình quân của các hộ nông dân trồng hoa và cây ăn quả đạt khoảng từ 200 - 300 triệu đồng/hộ/năm. Nhóm hộ nông dân triệu phú từ hoa của quận Bắc Từ Liêm lên tới 560 hộ gia đình. Gia đình ông Tửu đứng thứ 260 trong nhóm đó.

Sản phẩm hoa đa dạng về chủng loại và đảm bảo về chất lượng của làng Tây Tựu đã được thị trường hoa trong nước ưa chuộng và đã tìm được bạn hàng ở thị trường ngoài nước. Địa bàn xuất khẩu hoa Tây Tựu chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, hoa của làng hoa Tây Tựu còn được đưa sang nước bạn Lào và Campuchia. Thu nhập từ xuất khẩu hoa của quận Bắc Từ Liêm mỗi năm đạt 10 tỷ đồng.

Được biết, hoa Tây Tựu đã có thương hiệu và ngày càng được người tiêu dùng trong nước và ngoài nước ưa chuộng.

Chỉ băn khoăn một điều, hiện tại đầu ra của sản phẩm hoa Tây Tựu vẫn tự phát nhỏ lẻ chưa có sự quan tâm từ phía các cơ quan tổ chức quản lý nhà nước trong lĩnh vực này để nghề trồng hoa của nông dân Tây Tựu ổn định và phát triển bền vững.

Hà Nội, hè năm 2018.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần