Giá cà phê hôm nay 4/12: Đồng loạt tăng nhẹ, người nông dân thấp thỏm thu hái vụ mới

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 4/12 thêm 100 - 200 đồng/kg. Sau phiên giảm sâu nhất trong hơn 3 tháng qua, cà phê Robusta tại London quay đầu tăng nhẹ. Trong khi đó, cà phê Arabica tiếp đà đi lên của phiên trước.

Giá cà phê hôm nay 4/12: Đồng loạt tăng nhẹ, người nông dân thấp thỏm thu hái vụ mới
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 31.600 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 32.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 32.200 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 32.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp).

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 32.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 32.100 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 31.900 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê trong nước hôm nay tăng 100 - 200 đồng/kg. Hôm qua, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm trung bình 700 - 800 đồng/kg.

Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2021 tăng 3 USD/tấn, giao dịch ở mức 1.346 USD/tấn, giao tháng 3/2021 tăng 7 USD ở mức 1.371 USD/tấn. Trong khi đó, tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 tăng 0,8 cent/lb (0,68%) ở mức 117,65 cent/lb, giao tháng 3/2021 tăng 0,95 cent/lb (0,8%) lên mức 120,05 cent/lb.

Sau phiên giảm sâu nhất trong hơn 3 tháng qua, cà phê Robusta tại London quay đầu tăng nhẹ. Trong khi đó, cà phê Arabica tiếp đà đi lên của phiên trước. Nhận định về phiên giảm sâu nhất của cà phê Robusta, các chuyên gia cho biết, nguyên nhân do áp lực bán hàng vụ mới. Khi nông dân Việt Nam bắt đầu chuyển sang thu hoạch đại trà, cùng với động thái “bán hàng giấy để mua hàng thực” của giới thương nhân quốc tế.

Sản lượng cà phê Việt Nam năm nay ước đạt 30,2 triệu bao (1 bao = 60 kg) theo bản dự báo được phát hành giữa năm 2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà vườn và nhà xuất khẩu cho rằng con số ấy có thể hơi quá vì chưa đánh giá hết diện tích cà phê được chuyển sang trồng các loại cây khác như hồ tiêu, chanh dây, sầu riêng, bơ, chuối… vì đầu tư cà phê những năm trước không lợi bằng các loại cây nông nghiệp khác.

Mưa bão liên tục từ đầu niên vụ tính từ ngày 1/10 không chỉ làm chậm thời vụ thu hoạch, nó còn làm ảnh hưởng việc mua bán xuất khẩu. Ước trong 2 tháng đầu niên vụ, xuất khẩu cà phê Việt Nam chỉ đạt 180.000 tấn, trong đó số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan báo tháng 10 đạt 90.000 tấn. Đáng ra lượng xuất khẩu tháng 11 thường cao hơn, nhưng thời tiết ẩm ướt đã hạn chế rất nhiều đường ra thị trường của hột cà phê năm nay.

Tại tỉnh Gia Lai, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết toàn tỉnh hiện có trên 97.000 ha cà phê; trong đó, diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh khoảng 83.148 ha, còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản và tái canh. Diện tích cà phê tập trung chủ yếu ở các huyện như: Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Đak Đoa, Chư Sê, Mang Yang. Dù chỉ mới thu hoạch được khoảng 40% diện tích nhưng phần lớn người dân đều cho rằng, năng suất cà phê năm nay giảm khá mạnh so với niên vụ trước.

Tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch cũng đang là vấn đề đau đầu của không ít hộ trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Những năm trước, mỗi khi đến mùa thu hoạch, hàng ngàn lao động từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... lại đổ về Gia Lai nhận hái khoán cà phê. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các khu công nghiệp ở những tỉnh này mở ra đã thu hút nguồn lao động tại chỗ, cộng với tình trạng không ít người dân Gia Lai đi các tỉnh, thành làm việc khiến các chủ vườn “đỏ mắt” tìm nhân công hái cà phê.

Năng suất cà phê giảm, giá nhân công thu hoạch tăng trong khi giá bán giữ nguyên khiến người trồng không có lời, thậm chí lỗ vốn.