Giá cà phê hôm nay 6/12: 1 tuần sóng gió của cà phê, nhà đầu cơ đua nhau xả hàng

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 6/12 giảm 1.100 - 1.500 đồng/kg so với đầu tuần. Hiện nay dòng vốn đầu cơ tiếp tục chảy mạnh về chứng khoán và dầu thô, cộng với áp lực bán phòng hộ hàng vụ mới ở Việt Nam khiến giá cà phê thế giới có 1 tuần lao dốc mạnh.

Giá cà phê hôm nay 6/12: 1 tuần sóng gió của cà phê, nhà đầu cơ đua nhau xả hàng
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 31.400 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 32.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 32.000 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 31.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 31.700 ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 31.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 31.800 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 31.600 đồng/kg. Như vậy, giá cà phê trong nước hôm nay đi ngang so với hôm qua.

Tổng hợp tuần này, giá cà phê tại Lâm Đồng giảm khoảng 1.300 đồng/kg, Đắk Lắk giảm 1.100 đồng/kg. 1.300 - 1.500 đồng/kg là mức giảm trong tuần tại Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum.

Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2021 giảm 9 USD/tấn (0,67%), giao dịch ở mức 1.337 USD/tấn, giao tháng 3/2021 giảm 16 USD (1,17%) ở mức 1.371 USD/tấn. Trong khi đó, tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 giảm 2,3 cent/lb (1,95%) ở mức 115,35 cent/lb, giao tháng 3/2021 giảm 2,5 cent/lb (2,08%) xuống mức 117,55 cent/lb.

Nhận định về xu hướng giảm của giá cà phê thế giới, các chuyên gia cho biết, dòng vốn đầu cơ đang tiếp tục chảy mạnh về chứng khoán và dầu thô. Trong khi đó, thị trường e ngại sức tiêu thụ cà phê sụt giảm khi nhiều quốc gia phải tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội vì đại dịch.

Giá cà phê 2 sàn sụt giảm, còn do thời tiết ở các nước sản xuất chính được dự báo rất thuận lợi. Bên cạnh áp lực bán phòng hộ hàng vụ mới ở Việt Nam gia tăng còn là báo cáo xuất khẩu tháng 11 của Brazil đạt mức kỷ lục 4,5 triệu bao cà phê các loại, tăng tới 39,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu cà phê Arabica natural tăng 30,3%.

Tại Đắk Lắk, hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2019 - 2020, triển khai và tổng kết đánh giá chương trình tái canh cà phê từ năm 2014 - 2020 tổ chức đầu tháng 12/2020 thông tin, niên vụ cà phê 2020-2021 dự kiến năng suất cà phê trên địa bàn Đắk Lắk đạt bình quân 25,44 tạ/ha, tổng sản lượng phấn đấu đạt 470.000 tấn. Tỉnh Đắk Lắk xác định không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch mà tập trung chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả, không đảm bảo nguồn nước sang các loại cây trồng khác.

Đối với chương trình tái canh cà phê, đến tháng 9/2020, toàn tỉnh tái canh được 35.408 ha, bằng 85,14%, trong đó niên vụ cà phê 2019 - 2020 tái canh được 4.492 ha, bằng 61%. Diện tích tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, từng bước nâng cao về năng suất và chất lượng cà phê nhân trong điều kiện biến đổi khí hậu. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Chương trình tái canh trên địa bàn Đắk Lắk đã góp phần trẻ hóa vườn cây già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi, đưa năng suất cà phê của tỉnh từ 20,44 tạ/ha năm 2012 tăng lên 24,99 tạ/ ha năm 2019.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, năm 2020 Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do EVFTA, TPPPP, RCEP đã tạo nhiều cơ hội cho ngành hàng cà phê phát triển. Tuy nhiên để năm bắt được các cơ hội này, ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Đắk Lắk nói riêng cần thật sự quan tâm đến phát triển cà phê bền vững, đăng ký bảo hộ cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản để quảng bá, củng cố vị thế cà phê Việt Nam trên trường quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê…