Gia cầm tăng giá vì thiếu nguồn cung

Bài, ảnh: Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, giá cả một số sản phẩm gia cầm, nhất là gà thịt biến động tăng. Nguồn cung thiếu hụt được xem là nguyên nhân chính của tình trạng này.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong quý I/2021, tổng đàn gia cầm cả nước đạt khoảng 510 triệu con, tương đương với thời điểm cuối năm 2020. So với cùng kỳ năm 2020, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt hơn 420.000 tấn (tăng 5,2%); trứng đạt khoảng 4,3 tỷ quả (tăng 3,5%). So với quý IV/2020, giá gà giống bình quân của quý I/2021 tại miền Bắc và miền Trung giảm từ 12 - 20%, tại miền Nam lại tăng từ 21 - 40%. Riêng giá già thịt tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đều tăng, lần lượt là: 28,5%; 10,4% và 5,5%. 
 Buôn bán thịt gia cầm tại chợ Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm.Ảnh: LÂM NGUYỄN.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, giá các sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng và dự kiến sẽ tăng cao vào thời điểm từ tháng 5 - 7/2021, do nguồn cung bị thiếu hụt. Điều này có liên quan đến lượng con giống gia cầm đưa vào chăn nuôi thương phẩm trong quý I/2021 giảm tới 50% so với quý IV/2020.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chăn nuôi sụt giảm trong giai đoạn đầu năm 2021 có liên quan trực tiếp đến yếu tố giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm gia tăng chi phí đầu vào. Điều này khiến người sản xuất gặp nhiều khó khăn và tỏ ra e dè trong việc tái đàn, tăng đàn gia cầm.

Bộ NN&PTNT nhận định, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính sẽ chỉ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu từ 5 - 10% (tương ứng 500 - 1.000 đồng/kg) trong những tháng tới. Để chia sẻ với người chăn nuôi gia cầm, Bộ NN&PTNT đề nghị các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi quản trị tốt và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu như: Khô dầu hạt điều, cám gạo, bã sắn… Đồng thời, giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi về mức hợp lý.