Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá đất vẫn ở thế…“đuổi bắt”

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự biến động về giá đất thổ cư xảy ra tại nhiều khu vực Hà Nội, khiến không ít người đặt câu hỏi về việc tăng giá có xuất phát từ quy luật cung - cầu của thị trường, có tạo ra sốt ảo?.

 TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam
 Để trả lời thắc mắc trên, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.
Mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành bảng giá đất giai đoạn 2015 - 2019, nhưng có vẻ giá rao bán đất thổ cư vẫn “một mình một phách” khi liên tục "phi mã", thưa ông?

- Khung giá đất TP quy định hầu như chỉ được áp dụng để đàm phán với người dân khi GPMB, còn lại giao dịch bán – mua, hầu như ít có giá trị. Thị trường phân khúc nhà đất “chào” giá trên trời (gấp đôi thậm chí gấp 5) là do không có cơ sở để định giá. Tất cả đều do thị trường quyết định, điều tiết giá cả.
Người bán thực tế cũng không biết giá bán bao nhiêu là phù hợp mà chỉ căn cứ vào hàng xóm nhà rao bán bao nhiêu, tình hình thực tế mặt bằng chung thế nào để phát giá một cách tùy tiện. Thế mới có câu chuyện, giá mảnh đất ở khu vực A đang từ 1,6 tỷ đồng vọt lên trên 2,5 tỷ đồng chỉ trong khoảng một năm. Đồng nghĩa, giá đất tại đây từ 24 triệu đồng/m2 lên 38 triệu đồng/m2, tăng tương đương 58%. Đối với khách hàng mua ở thật, mức giá này ngoài tầm kiểm soát tài chính của họ

Không ít chủ đầu khẳng định “giá tăng là có cơ sở” do hạ tầng, tiện ích kích cầu. Tình trạng này liệu có dẫn tới câu chuyện sốt ảo không thưa ông?

- ít nhiều thị trường sẽ có tác động khi mặt bằng giá được thiết lập lại. Song sốt nóng, khó có khả năng xảy ra. Hiện nay đang có hai dạng đối tượng rao giá. Một là những người rao giá để bán, tức khá sát với thực tế và có thể giao dịch được. Hai là, một số người rao bán lợi dụng hạ tầng, quy hoạch này kia “hét giá” nhằm dò xét động thái của người mua và phải mất khoảng vài tháng đến một năm mới quyết định hạ giá bán. Hơn nữa, do số tiền giao dịch quá lớn nên cả bên mua và bên bán đều có tâm lý thận trọng. Do vậy, mặc dù thông tin rao bán khá nhiều nhưng tỷ lệ thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết chỉ có nhóm đầu tư bất động sản, mới có khả năng chịu chơi rút hầu bao, còn lại người mua nhà an cư lập nghiệp vẫn ưu tiên các mảnh đất giá hợp lý trong ngõ nhỏ hơn.

Thực tế, khung giá đất một đằng, giá thị trường một nẻo đang dẫn tới câu chuyện thất thu thuế, thưa ông?

- Bảng giá đất được xây dựng dựa trên Luật Đất đai do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nhà nước ban hành khung giá đất, còn các tỉnh, TP được điều chỉnh cho phù hợp với địa phương (hệ số K) nhưng theo quy định không vượt quá 30%.

Việc định giá đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường có cái lợi cho công tác giải tỏa làm đường, dự án Nhà nước nhưng còn bất cập. Bởi, khi làm các thủ tục liên quan đến sang nhượng, chuyển mục đích sử dụng các loại phí, thuế phải đóng thấp. Do đó, bảng giá đất của các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện nay đang áp dụng chưa phù hợp với nguyên tắc “giá phổ biến trên thị trường”, kể cả đất ở các vị trí có giá cao nhất lẫn vị trí trong hẻm sâu có giá thấp nhất. Bảng giá đất chỉ tương đương khoảng 30% - 40% giá đất trên thị trường, cần phải xem xét lại cho phù hợp. Vì lẽ đó, Chính phủ không nên ban hành khung giá đất mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành bảng giá đất. Đồng thời, thường xuyên điều chỉnh vì nếu cứ áp dụng theo chu kỳ 5 năm một lần là quá dài.

Xin cảm ơn ông!