Giá dầu biến động trái chiều trước áp lực nguồn cung từ Iran

Cao Phương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đi xuống trong phiên 28/5 khi nhà đầu tư quan ngại về khả năng nguồn cung “vàng đen” của Iran tăng lên.

Giá dầu Brent biến động nhẹ và giữ ở mức gần 70 USD/thùng trong phiên ngày thứ Sáu. Đà giảm của giá dầu trong phiên này được hạn chế nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan và kỳ vọng nhu cầu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2021 đã bù đắp lo ngại về nguồn cung nhiều hơn từ Iran.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 7 giảm 9 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống còn 69,37 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 7 ở mức 66,90 USD/thùng, tăng 5 xu Mỹ, khoảng 0,1%.
 Giá dầu biến động trái chiều trong phiên 28/5. Ảnh: AP
Bộ Lao động Mỹ hôm 27/5 báo cáo, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới của nước này trong tuần trước đã giảm nhiều hơn dự báo, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi mạnh mẽ khi số liệu công bố hôm 27/5 cho thấy hoạt động chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp vào thiết bị đã tăng nhanh trong tháng 4 vừa qua.
Chuyên gia kinh tế Howie Lee của Singapore nhận định: “Giá dầu chưa nhận được yếu tố hỗ trợ quan trọng để phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục duy trì ở mức kháng cự từ 65 - 70 USD/thùng, chưa thể vượt ngưỡng hơn 70 USD/thùng trong ngắn hạn”.
Theo nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures Group ở Chicago, số liệu kinh tế Mỹ tích cực khiến các thị trường tập trung nhiều hơn vào yếu tố cung - cầu.
Triển vọng nguồn cung của Iran tái gia nhập thị trường đã gây sức ép lên giá “vàng đen” trong thời gian gần đây.
Iran và các cường quốc còn lại trong Thỏa thuận Hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) vẫn đang đàm phán về việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng. Đổi lại, Iran phải tuân thủ trở lại các cam kết trong JCPOA.
Vấn đề Iran có thể được xuất khẩu dầu mỏ trở lại sẽ là một trong những nội dung chính trong cuộc họp chính sách của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, diễn ra vào ngày 1/6 tới.
Các nguồn tin quen thuộc với OPEC cho biết, nhóm này có thể sẽ tiếp tục nới lỏng dần thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu mỏ tại cuộc họp vào tuần tới, khi các nhà sản xuất xem xét các dự báo về nhu cầu phục hồi với nguồn cung từ Iran gia tăng.
Ngân hàng ANZ ngày 28/5 lưu ý: “1 triệu thùng/ngày được Iran bổ sung ra thị trường chắc chắn sẽ khiến lượng dầu tồn kho hiện tại giảm chậm hơn, và gây áp lực đến thị trường nhiên liệu”.
Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng sự gia tăng nguồn cung từ Iran sẽ diễn ra từ từ. JP Morgan ước tính Iran có thể tăng thêm 500.000 thùng/ngày vào cuối năm 2021 và tăng thêm 500.000 thùng/ngày vào tháng 8/2022.
Giá dầu Brent và WTI đang trên đà ghi nhận tuần leo dốc lần lượt  5% và  6% khi các nhà phân tích dự đoán nhu cầu nhiên liệu toàn cầu sẽ phục hồi gần 100 triệu thùng/ngày trong quý III/2021.
Tuy nhiên, đà phục hồi của giá dầu vẫn đứng trước rủi ro về nhu cầu ở Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 3 thế giới. Ấn Độ hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ hai, và mới có khoảng 3% dân số nước này đã được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ.