Giá dầu Brent giảm còn 41 USD/thùng, chạm mức thấp nhất trong 2 tuần

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu quay đầu giảm mạnh trong phiên 29/9 khi gia tăng lo ngại về nhu cầu do đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai diễn biến phức tạp tại một số nước.

Giá hai mặt hàng dầu chủ chốt gồm dầu WTI và dầu Brent cùng lao dốc mạnh về mức đóng cửa thấp nhất trong 2 tuần.
Nhà đầu tư lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu, một diễn biến có thể làm tổn hại đến nhu cầu dầu mỏ và các tài sản năng lượng khác trong dài hạn.
 Giá dầu quay đầu giảm mạnh trong phiên 29/9.
Số trường hợp tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 1 triệu người, với số ca tử vong và lây nhiễm gia tăng ở một số quốc gia. Mỹ hiện chiếm hơn 1/5 số ca nhiễm trong tổng số gần 33,4 triệu ca nhiễm trên toàn cầu, với hơn 200.000 trường hợp tử vong.
Đà giảm giá của “vàng đen” trong phiên giao dịch này chủ yếu do lo ngại dai dẳng về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu Brent giao tháng 11 trên sàn London sụt 1,40 USD, tương đương 3,3%, còn 41,03 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 11 trên sàn Nymex cũng giảm 1,31 USD, tương đương 3,2%, xuống 39.29 USD/thùng.
Giá dầu WTI và dầu Brent đều khép phiên tại mức thấp nhất kể từ ngày 15/9/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Giá dầu đi lên trong phiên 28/9, song đà tăng đã bị kìm hãm do những lo ngại ngày càng tăng về các biện pháp phong tỏa mới ở nhiều nơi trên thế giới để ngăn chặn đợt lây nhiễm Covid-19 thứ hai.
Góp phần hỗ trợ giá dầu trong phiên đầu tuần là khả năng gián đoạn sản lượng dầu ở Na Uy. Hiệp hội Dầu khí Na Uy cho biết các công ty dầu khí nước này có kế hoạch đóng cửa 22% sản lượng dầu và khí đốt của đất nước, tương đương 900,000 thùng/ngày, nếu các công nhân ngành dầu mỏ tổ chức đình công vào ngày 30/9, Reuters đưa tin. Theo các chuyên gia hàng hóa, đà suy yếu của đồng USD cũng giúp hỗ trợ giá dầu trong phiên trước đó.
Trong tháng 8 vừa qua, giá dầu Brent và WTI đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020 nhờ tâm lý lạc quan về nhu cầu nhiên liệu và cam kết cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh. Tuy nhiên, sau đó giá dầu đã giảm khoảng 3 USD, do những lo ngại về triển vọng nhu cầu.
Giới thương nhân cũng đang theo dõi những diễn biến liên quan đến cuộc xung đột quân sự ở Tây Nam Á. Các lực lượng Armenian và Azerbaijani đang leo thang căng thẳng ở khu vực ly khai Nagorno - Karabakh.
“Các cuộc đụng độ giữa Armenia và Azerbaijan khiến thị trường lo ngại khi xung đột leo thang có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu và khí đốt từ Azerbaijan”, các chuyên gia phân tích tại ICICI Bank nhận định.
Nhà đầu tư cũng chờ xem dữ liệu định kỳ hàng tuần về dự trữ dầu thô tại Mỹ từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lần lượt công bố vào ngày thứ Ba và ngày thứ Tư. Một cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành ước tính dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 25/9 tăng 1,4 triệu thùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần