Giá dầu Brent trượt sâu hơn 5% trong tuần do triển vọng kinh tế toàn cầu sa sút

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, giá dầu WTI giảm 2,1% và dầu Brent hạ 5,4% trước sức ép từ lo ngại căng thẳng thương mại kéo dài có thể làm suy yếu nhu cầu năng lượng.

Giá “vàng đen” giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 5/8 lo ngại thương chiến Mỹ - Trung leo thang có thể gây suy thoái kinh tế toàn cầu, làm nhu cầu tiêu thụ năng lượng suy yếu. Giá dầu Brent sụt hơn 3%, do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Giá dầu vừa chứng kiến tuần giao dịch ảm đạm.
Sang phiên giao dịch ngày 6/8, giá dầu Brent rơi vào trạng thái "thị trường gấu" khi thương chiến Mỹ - Trung leo thang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu khiến nhà đầu tư lo ngại về sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Giá dầu bị bán tháo mạnh và chốt phiên với mức giảm giá 1,5%. Tính từ mức đỉnh thiết lập vào cuối tháng 4, giá dầu Brent - mốc tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu - đến nay đã sụt hơn 20%. "Thị trường gấu" (bear market), tức thị trường đầu cơ giá xuống, là khi một tài sản giảm giá từ 20% trở lên so với mức đỉnh gần nhất. Mức giảm trên của giá dầu Brent đã đáp ứng định nghĩa này.
Tiếp tục đà giảm mạnh, giá dầu thế giới lao dốc hơn 4% trong phiên giao dịch ngày 7/8, xuống mức thấp nhất trong 7 tháng. Lượng dầu tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng mạnh, cộng thêm mối lo nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu do thương chiến Mỹ - Trung là lý do chính đẩy giá "vàng đen" lao dốc.
Tới phiên ngày 8/8, giá dầu phục hồi, khi tăng hơn 2% trước những đồn đoán rằng giá dầu giảm sẽ khiến Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đẩy mạnh cắt giảm sản lượng, cùng với đó là sự phục hồi của đồng Nhân dân tệ sau một tuần giảm giá do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng.
Theo một số nhà phân tích, giá dầu đã giảm quá nhanh và sâu, tạo dư địa cho sự hồi phục.
Giá dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp trong ngày 9/8, sau khi rơi vào thị trường gấu hồi đầu tuần này, chịu sức ép bởi lo ngại căng thẳng thương mại kéo dài có thể làm suy yếu nhu cầu năng lượng.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/8, giá dầu WTI giao tháng 9 tăng 1,96 USD/thùng, tương đương tăng 3,7%, chốt ở 54,5 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 10 tại thị trường London chốt phiên với mức tăng 1,15 USD/thùng, tương đương tăng 2%, đạt 58,53 USD/thùng. Tuy nhiên, do mức giảm lớn trong 3 phiên đầu tuần, giá dầu WTI vẫn chứng kiến mức sụt 2,1% trong tuần này, còn giá dầu Brent hạ 5,4%.
Giá dầu vẫn duy trì đà tăng trong phiên này sau khi dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 6 giàn trong tuần này xuống 764 giàn.
Giá dầu WTI sụt 2,1% trong tuần này, còn giá dầu Brent hạ 5,4% trong tuần.
Với triển vọng nền kinh tế toàn cầu suy yếu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 9/8 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu trong năm 2019 giảm 100.000 thùng/ngày xuống 1,1 triệu thùng/ngày, và dự báo nhu cầu năm 2020 giảm 50.000 thùng/ngày về mức 1,3 triệu thùng/ngày.
Cũng theo báo cáo này, nhu cầu dầu của Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu đang giảm xuống. Nhu cầu xăng ở Mỹ cũng giảm tốc dù đang là mùa lái xe cao điểm. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc tăng lên.
"Bất chấp báo cáo của IEA, giá dầu vẫn tăng trong phiên ngày 9/8, bởi triển vọng nhu cầu suy yếu là điều đã được lường trước", nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc ngân hàng UBS nhận xét với hãng tin CNBC.
Bên cạnh đó, giá dầu có thể cũng đang được hỗ trợ bởi xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuần này, ít nhất 4 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã hạ lãi suất.
Bộ Năng lượng Nga nói rằng dự báo của IEA tương đồng với dự báo của nước này về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Nga cũng cho biết nước này đã tính đến khả năng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm tốc khi quyết định gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng với OPEC. Thỏa thuận này được thực thi từ đầu năm và được gia hạn hồi  đầu tháng 7 vừa qua.
Bên cạnh đó, Bloomberg, dẫn nguồn từ các quan chức giấu tên, đưa tin hôm 8/8 rằng Ả Rập Saudi lên kế hoạch giữ kim ngạch xuất khẩu dầu thô dưới mức 7 triệu thùng/ngày trong tháng 8 và tháng 9 để giảm bớt tình trạng thừa dầu trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sản lượng dầu của Nga đã tăng lên mức 11,32 triệu thùng/ngày trong thời gian 1-8/8, so với mức 11,15 triệu thùng/ngày bình quân của tháng 7, nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.
Cung mạnh, cầu yếu là nguyên nhân chính khiến giá dầu WTI và Brent đã lao dốc tới 20% so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần