Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu chứng kiến tuần lao dốc mạnh nhất trong hơn 1 năm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường dầu thế giới ghi nhận tuần sụt giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm khi giá dầu WTI sụt 9,6%, dầu Brent mất 8,4% do bị ảnh hưởng từ tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (5/2), giá “vàng đen” đi xuống với dầu Brent Biến Bắc giảm mạnh nhất trong gần 1 tháng trong bối cảnh thị trường chịu tác động tiêu cực từ đồng USD phục hồi trở lại.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 9,6% trong tuần qua. 
Các thị trường khác đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong phiên đầu tuần do nhà đầu tư lo ngại do báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy tăng trưởng tiền lương đạt mức cao nhất trong hơn 8 ăm qua, khiến lạm phát cũng được dự đoán sẽ gia tăng.
Số liệu này đã khiến đồng USD mạnh lên, qua đó tạo áp lực lên giá dầu vốn là hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh. 
Giá dầu thế giới giảm phiên thứ 3 liên tiếp tính tới ngày 6/2 do đồng USD mạnh lên sau đợt bán tháo chứng khoán khiến Phố Wall và các sàn trên toàn cầu trượt dốc hôm đầu tuần. Đồng bạc xanh mạnh làm cho giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với chủ sở hữu nắm giữ các loại tiền tệ khác. 
Sang phiên ngày 7/2, thị trường dầu thế giới giao dịch khởi sắc sau khi nhà đầu tư nhận được thông tin cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm trong tuần trước. Đà phục hồi của giá “vàng đen” đạt được bất chấp việc các nhà phân tích cảnh báo rằng sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng và sự sụt giảm nhu cầu theo mùa có thể sớm gây sức ép lên giá dầu.
Trong phiên giao dịch ngày 8/2, giá dầu thế giới tiếp tục nới rộng đà giảm và xuống mức thấp nhất trong 7 tuần do báo cáo cho biết kho dầu thô dự trữ và sản lượng dầu của Mỹ tăng cao.
Theo số liệu ngày 7/2 của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 1,9 triệu thùng trong tuần kết thúc đến ngày 2/2 vừa qua, lên 420,3 triệu thùng, ghi nhận tuần thứ hai liên tiếp dự trữ dầu thô tăng sau khi lượng dầu dự trữ giảm 11 tuần liên tục trước đó. 
Trong phiên giao dịch cuối tuần (9/2), các hợp đồng vàng tương lai giảm phiên thứ 6 liên tiếp, trong đó giá dầu WTI đóng cửa dưới mốc 60 USD/thùng lần đầu tiên trong năm 2018, qua đó ghi nhận tuần sụt giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm.
Dữ liệu ngày thứ Sáu cho thấy số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ có tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2017, điều này góp phần làm gia tăng lo ngại về đà leo dốc của sản lượng dầu tại Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex lùi 1,95 USD (tương đương 3,2%) xuống 59,20 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/12/2017. Tuần qua, hợp đồng này đã lao dốc 9.6%, mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 1/2017.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn mất 2,02 USD (tương đương 3,1%) còn 62,79 USD/thùng - mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 13/12/2017, đồng thời ghi nhận mức sụt 8,4% trong tuần qua.
Giảm liền 6 phiên, dầu WTI có tuần lao dốc mạnh nhất trong hơn 1 năm qua.
Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 26 giàn lên 791 giàn trong tuần này, qua đó đánh dấu tuần tăng thứ 3 liên tiếp của số giàn khoan và cũng là tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 năm.
James Williams, chuyên gia kinh tế năng lượng tại WTRG Economics, nhận định: “Điều này dẫn đến khả năng sản lượng tại Mỹ có thể vọt hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhưng giá dầu sẽ cần phải duy trì trên mốc 50 USD/thùng. Thật không phải là một ngày thứ Sáu vui vẻ đối với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC)”.
Trong những tháng gần đây, giá dầu đã được hỗ trợ nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC cùng với các đồng minh. Tuy nhiên, một báo cáo từ Reuters cho biết thành viên Iran của OPEC cũng đang lên kế hoạch nâng sản lượng dầu trong 4 năm tới.
Mihir Kapadia, giám đốc điều hành Sun Global Investments, đánh giá: “Điều này góp phần gia tăng lo ngại của thị trường về sự tăng trưởng của nguồn cung toàn cầu”.
Bên cạnh đó, những yếu tố quyết định cơ bản của thị trường dầu cũng đang thay đổi khi đà tăng giá gần đây đã khuyến khích các nhà sản xuất dầu tại Mỹ gia tăng sản lượng.
Trong một báo cáo định kỳ hàng tháng, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã dự báo sản lượng dầu thô nội địa đạt mức 10,59 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng lên 11,18 triệu thùng/ngày vào năm 2019. Theo một báo cáo khác của EIA, sản lượng dầu thô tại Mỹ vượt mốc 10 triệu thùng/ngày trong tuần trước, con số cao nhất kể từ năm 1983.
Ngoài ra, giá dầu chịu áp lực giảm giá giữa lúc tình trạng bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán, khi nhà đầu tư e ngại về khả năng lạm phát gia tăng và các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chứng khoán Mỹ rung lắc mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, trong đó Dow Jones lao dốc gần 6% trong tuần qua.