Giá dầu có tuần tăng mạnh nhờ tâm lý lạc quan của thị trường

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc phiên cuối tuần và chứng kiến tuần tăng giá mạnh với dầu WTI cộng 1,3% và giá dầu Brent tăng 1,7% do các nhà đầu tư trút bỏ lo ngại về rủi ro địa chính trị.

Giá dầu tăng gần 2 USD trong phiên cuối tuần qua.
Theo đó, thị trường năng lượng đã có 1 tuần đầy biến động. Giá dầu thế giới tăng ngay phiên giao dịch đầu tuần (5/3) sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ tăng thêm 6,9 triệu thùng/ngày, lên mức 104,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. IEA cho biết nhu cầu năng lượng thế giới tăng cao nhờ đà tăng trưởng kinh tế ở châu Á và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp hóa dầu ở Mỹ, sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng thế giới tăng lên 104,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Trong phiên tiếp theo, ngày 6/3, giá “vàng đen” duy trì đà tăng nhờ sự giảm giá của đồng USD. Giá dầu nhận được hỗ trợ tích cực trong bối cảnh đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong rổ tiền tệ thế giới trong hơn 1 tuần trước diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 6/3, phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Seoul, ông Chung Eui-yong - Chủ tịch Văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng cam kết ngừng mọi hành động khiêu khích quân sự, trong đó có các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong khi tiến hành đối thoại với Hàn Quốc. Theo ông Chung, Triều Tiên cũng thể hiện sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc từ bỏ chương trình hạt nhân. 

Tuy nhiên, sang phiên giao dịch ngày 7/3, giá nhiên liệu quay đầu lao dốc do những lo ngại về kế hoạch nâng thuế nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại và sản lượng dầu thô của Mỹ tăng cao.
Giá dầu thế giới tiếp tục suy yếu trong phiên giao dịch 8/3, do đồng USD mạnh lên, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ gia tăng và các dấu hiệu cho thấy dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma (Mỹ) ngày càng nhiều hơn. 
Dự trữ dầu tại kho chứa tại Cushing, Oklahoma, Mỹ tăng hơn 290.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/3, theo số liệu từ công ty cung cấp dữ liệu các thị trường năng lượng Genscape.
Sau hai phiên giảm liên tiếp, giá dầu tăng vọt phiên cuối tuần (9/3) giữa bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ đi lên, nhờ số liệu tích cực về thị trường lao động Mỹ.
Bên cạnh đó, thị trường dầu cũng được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư trước khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau trong tháng 5 tới có thể xoa dịu tình hình căng thẳng địa chính trị.
Giá dầu có tuần tăng mạnh nhờ tâm lý lạc quan của thị trường.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 4 kết phiên tăng 1,92 USD, tương đương 3,2%, lên mức 62,04 USD/thùng. Mức tăng này giúp giá dầu tính cả tuần đảo chiều tăng 1,3%.
Tương tự, giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 1,88 USD, tương đương 3%, lên mức 65,49 USD/thùng tại thị trường London. Giá mặt hàng dầu này tăng 1,7% trong tuần.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 8/3, giá 2 loại dầu đã xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 2.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu phản ứng tích cực trước thông tin rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận lời gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Nhận xét về sự kiện này, Naeem Aslam, trưởng bộ phận phân tích tại ThinkMarkets, cho rằng sự ổn định địa chính trị hỗ trợ nhiều cho lực cầu dầu mỏ.
Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu là công ty Baker Hughes hôm 9/3 thông báo rằng số lượng giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ giảm 4 chiếc xuống 796 trong tuần này, gợi mở khả năng sản lượng dầu sẽ giảm trong thời gian tới. Đây là tuần đầu tiên trong 7 tuần số liệu này giảm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần