Giá dầu đứng vững giữa lo ngại về nguồn cung tại Venezuela bị gián đoạn

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu không biến động nhiều trong phiên giao dịch ngày 30/1 mặc dù chính quyền Mỹ vừa quyết định áp lệnh trừng phạt bổ sung đối với tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA của Venezuela.

Trong bối cảnh triển vọng nhu cầu “vàng đen” chịu áp lực từ đà giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nỗi lo ngại về khả năng nguồn cung dầu bị gián đoạn cũng được giảm bớt mặc dù chính quyền Washington thông báo bổ sung biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela.
Giá dầu ổn định trong phiên giao dịch ngày 30/1.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hiện được giao dịch ở mức 53,30 USD/thùng, không thay đổi so với phiên giao dịch trước đó. Giá dầu Brent cũng ổn định ở mức 61,32 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 30/1.
Nhằm gia tăng áp lực với chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Mỹ hôm 28/1 thông báo quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt bổ sung đối với tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA của nước này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, các biện pháp nhằm vào tập đoàn dầu khí của Venezuela là để phong tỏa tài sản và lợi ích nằm trong thẩm quyền của Mỹ cùng với việc cấm các công dân Mỹ có quan hệ giao dịch với PDVSA, song các nhà máy lọc dầu của Mỹ vẫn tiếp tục được sử dụng dầu của Venezuela. 
Chuyên gia Vandana Hari thuộc Công ty tư vấn năng lượng Vanda Insights cho biết, lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ chủ yếu làm gián đoạn đối với các nhà máy lọc dầu ở khu bờ Vịnh của Mỹ, khiến các nhà máy này phải tìm kiếm nguồn cung dầu nặng thay thế và tăng cường nhập khẩu dầu từ Canada. 
Biện pháp trừng phạt của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm phong tỏa nguồn thu của PDVSA từ việc xuất khẩu gần 500.000 thùng dầu/ngày sang Mỹ. Quyết định này của Mỹ đẩy giá dầu đi lên, song các thị trường không quá quan ngại khi lệnh trừng phạt chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung từ Venezuela cho Mỹ.
Theo nhà phân tích Paola Rodriguez-Masiu thuộc công ty tư vấn Rystad Energy, dầu mỏ của Venezuela thay vì được xuất sang Mỹ thì sẽ được xuất khẩu sang các nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, với một mức giá giảm tương đối. 
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nói rằng các công ty giao dịch dầu mỏ không phải của Mỹ nhưng có hoạt động ở nước này có thể vẫn tránh giao dịch dầu mỏ của Venezuela.
Báo cáo của Schork về giao dịch dầu mỏ hàng ngày cho biết, nhiều nhà giao dịch quốc tế có hoạt động chủ yếu tại thị trường Mỹ và trong ngắn hạn, các nhà giao dịch này sẽ tạm thời ngừng mua dầu của Venezuela cho đến khi chắc chắn rằng họ không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. 
Đối với thị trường dầu toàn cầu, các nhà giao dịch nhận định rằng biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela sẽ có tác động hạn chế, do nguồn cung vẫn được đảm bảo.
Trước khi Mỹ thông báo áp đặt lệnh trừng phạt, những xáo trộn về kinh tế tại quốc gia Nam Mỹ này đã khiến sản lượng dầu thô của Venezuela giảm từ mức cao nhất với 2,5 triệu thùng/ngày trước thời điểm năm 2016, xuống còn hơn 1 triệu thùng hiện tại.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng tới hơn 2 triệu thùng/ngày  trong năm 2018, đạt kỷ lục 11,9 triệu thùng/ngày. 
Ngoài ra, các nhà phân tích lưu ý tới việc những lo ngại gia tăng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại đang có tác dụng ngược lại đối với thị trường dầu mỏ, đặc biệt là những lo ngại về kinh tế Trung Quốc.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầui đang có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các quan chức từ Washington và Bắc Kinh dự kiến khởi động vòng đàm phán mới vào ngày 30/1 nhằm giải quyết các xung đột thương mại kéo dài nhiều tháng qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần