Giá dầu duy trì đà phục hồi mạnh, tăng hơn 20% trong tháng 2

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu Brent và dầu WTI tăng hơn 20% ​​trong tháng 2 nhờ tâm lý lạc quan về nhu cầu phục hồi và nguồn cung tại Mỹ bị gián đoạn.

Mặc dù sụt nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, cả 2 mặt hàng dầu chủ chốt đều tăng hơn 20% trong tháng 2/2021 khi bối cảnh thị trường kỳ vọng cải thiện nhu cầu và nguồn cung dầu toàn cầu vẫn đang hạn chế.
Giá dầu Brent và WTI đều có mức tăng hơn 20% trong tháng 2 này nhờ kỳ vọng rằng tiến triển của việc tiêm vaccine Covid-19 giúp phục hồi nhu cầu.
Giá dầu đi xuống trong phiên ngày 26/2 trong bối cảnh đồng USD tăng lên và đồn đoán ngày càng tăng về việc giá dầu sẽ trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến nguồn cung có thể bùng nổ.
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 2,03 USD, tương đương 3,2%, về mức 61,50 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 4 mất 75 xu Mỹ, khoảng 1,1%, xuống còn 66,13 USD/thùng.
Tỷ giá đồng bạc xanh tăng mạnh trong ngày 26/2 khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiến sát mức cao nhất trong một năm. Đồng bạc xanh tăng giá khiến cho việc mua dầu thô bằng những đồng tiền khác trở nên đắt đỏ hơn.
“Trong phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu toàn cầu bị bán tháo ồ ạt còn đồng USD lại tăng giá. Điều này gây sức ép cho thị trường năng lượng”, Bob Yawger - Giám đốc của Energy Futures của Mizuho tại New York, nhận xét.
Ngoài ra, báo cáo mới nhất cho thấy dự trữ dầu của Mỹ trong tuần này bất ngờ tăng cao.
Bất chấp giá giảm trong phiên này, tính chung trong tuần này, giá dầu Brent vẫn tăng 4,8% và dầu WTI ghi nhận mức tăng 3,8%. Cả 2 mặt hàng dầu này đều tăng hơn 20% trong tháng 2/2021 trong bối cảnh nguồn cung ở Mỹ bị gián đoạn, cùng với sự lạc quan về nhu cầu sớm được cải thiện nhờ việc triển khai tiêm vaccine diện rộng.
Các nhà đầu tư đang đặt cược cuộc họp vào tuần tới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ giúp nguồn cung trở lại thị trường nhiều hơn.
"Đối với OPEC+, một quyết định về vấn đề sản lượng ở thời điểm này rất quan trọng, vì giá dầu đã phục hồi vượt mức trước đại dịch Covid-19, lượng dầu tồn kho trên toàn cầu đang rút xuống, và tốc độ triển khai vaccine được đẩy nhanh", ông Lachlan Shaw, trưởng bộ phận hàng hóa cơ bản của National Australia Bank, đánh giá.
"Có lẽ thị trường dự đoán đúng khi cho rằng với mức giá này và dựa vào  những yếu tố nền tảng trong thời điểm hiện tại, nguồn cung dầu trên thị trường sẽ dần tăng trở lại”.
Giá dầu WTI của Mỹ cũng gặp trở ngại do sự thất thoát trong nhu cầu lọc dầu sau khi một vài nhà máy lọc dầu tại vùng Gulf Coast phải đóng cửa do đợt bão tuyết vào tuần trước.
Một ngày có khoảng 4 triệu thùng dầu bị ngưng sản xuất. Có thể tới ngày 5/3 thì các nhà máy mới khôi phục lại được và cũng có nguy cơ sẽ trễ hơn nữa, các nhà phân tích của JP Morgan lưu ý trong báo cáo tuần.
Các nhà phân tích của JP Morgan nhận xét: “Mối lo ngại lớn nhất đối với thị trường dầu thô Mỹ sẽ là nhu cầu lọc dầu có khôi phục được hay không. Do cơ sở vật chất của các nhà máy lọc dầu bị hư hại, rõ ràng là thời gian để khôi phục lại hoàn toàn phải tính bằng tuần, chứ không phải theo ngày”./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần