Giá dầu Brent tăng lên trên 61 USD/thùng, gần chạm đỉnh 2 năm

Phương Dung (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thô Brent tăng mạnh, gần đạt mức cao nhất trong hơn 2 năm trong phiên giao dịch ngày 1/11, do mức độ tuân thủ cao đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác của Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga.

Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 22 xu Mỹ, tương đương 0,36%, lên 61,167 USD/thùng sau khi tăng vọt 61,41 USD/thùng, mức cao nhất trong 2 năm trong phiên giao dịch 31/10. Dầu Brent đã tăng gần 38% kể từ mức thấp năm 2017 hồi tháng 6.
Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI giao dịch tại 54,65 USD/thùng, tăng 27 xu Mỹ, hay 0,5% và sát  với mức cao hồi tháng 2. Giá loại dầu này đã tăng gần 30% kể từ mức thấp năm 2017 hồi tháng 6.
Giá dầu Brent Biển Bắc gần chạm đỉnh 2 năm. 
Thị trường dầu toàn cầu đang có dấu hiệu tái cân bằng nhờ nỗ lực của OPEC và Nga thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày từ đầu năm nay. Việc tuân thủ thỏa thuận này được đánh giá còn thấp trong nửa đầu năm nay, tuy nhiên nguồn cung dầu đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây.
Theo báo cáo của OPEC, sản lượng dầu của các thành viên thuộc nhóm trong tháng 10 giảm 80.000 thùng/ngày, xuống 32,78 triệu thùng/ngày, đưa mức tuân thủ với cam kết hạn chế nguồn cung đạt 92%, cao hơn tỷ lệ 86% trong tháng 9.
Nga cũng được đánh giá tuân thủ chặt chẽ với việc cắt giảm sản lượng của mình, khoảng 300.000 thùng/ngày so với mức 11,247 triệu thùng/ngày hồi tháng 10/2016.
Số liệu thương mại cho thấy các nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu đã được cung cấp ít hơn trong quý III, dẫn tới lượng tồn kho nhiên liệu giảm.
Tom Pugh, chuyên gia về hàng hóa tại Capital Economics, cho rằng lực đẩy quan trọng khiến giá dầu tăng mạnh là Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman cuối tuần trước cam kết sẽ cùng Nga gia hạn thỏa thuận cắt giảm đến cuối năm 2018.
Các quan chức OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 30/11 tới để thảo luận khả năng gia hạn thỏa thuận sau thời điểm tháng 3/2018 nhằm giảm lượng tồn kho trên thế giới sau 3 năm dư cung.
Có nhiều yếu tố chi phối sự cân bằng thị trường dầu, trong đó phải kể đến vụ IPO của Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco vào năm sau, khiến Ả Rập Saudi khó rút lại cam kết đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC.
Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích nếu cuộc họp sắp tới chấp thuận gia hạn thỏa thuận, thị trường dầu mỏ có thể vẫn chịu áp lực giảm giá do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra chốt lời.
Theo Matt Stanley, nhà môi giới năng lượng của Freight Investor, một yếu tố khác có thể kéo giá dầu đi xuống là sản lượng dầu đá phiến của Mỹ. Nếu giá dầu càng phục hồi mạnh, nhiều khả năng các công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ càng tăng khai thác.
Giá dầu WTI tụt 5,9% trong tháng 8 trong bối cảnh sản lượng dầu ở Mỹ giảm 0,3%, xuống 9,203 triệu thùng/ngày, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).
Theo khảo sát các chuyên gia do S&P Global Platts tiến hành, EIA được dự báo sẽ công bố tồn kho dầu thô Mỹ giảm 1,4 triệu thùng trong tuần trước.
Sản lượng dầu khai thác của Mỹ tăng gần 13% kể từ giữa năm 2016 lên tới 9,5 triệu thùng/ngày.
Ngân hàng Barclays cho biết: “Sản lượng dầu thô của Mỹ là thấp hơn 410.000 thùng/ngày so với mức đỉnh 9,62 triệu thùng/ngày hồi tháng 4/2015. Chúng tôi dự kiến sản lượng vượt mức này trước khi kết thúc năm nay”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần