Giá dầu giảm do số giàn khoan dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh

Phương Dung (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 4/12, giá "vàng đen" đi xuống do các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục bổ sung giàn khoan.

Tuy nhiên, giá dầu thế giới vẫn duy trì quanh mức cao nhất kể từ giữa năm 2015 nhờ Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Việc lần đầu tiên Nga hợp tác thực sự với OPEC đã giúp giảm khoảng 50% lượng dầu dư thừa trên thị trường toàn cầu từ đầu năm đến nay.
Các công ty khoan dầu Mỹ đã bổ sung 2 giàn khoan dầu trong tuần tính tới 1/12, đưa tổng số giàn khoan lên 749 giàn, cao nhất kể từ tháng 9, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 46 xu Mỹ, tương đương 0,8%, xuống mức 57,90 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao dịch với giá 63,46 USD/thùng, giảm 27 xu Mỹ, khoảng 0,4% so với phiên cuối tuần trước.
Số giàn khoan của Mỹ đã tăng mạnh từ mức 477 giàn trong một năm trước đó sau khi các công ty dầu đẩy mạnh kế hoạch chi tiêu năm 2017.
Trong năm 2017, các nhà khai thác dầu đá phiến được khuyến khích tăng mạnh sản lượng do giá "vàng đen" bắt đầu phục hồi nhờ nỗ lực của OPEC và các nhà sản xuất chính khác, gồm cả Nga, đã đồng ý thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tuần qua, các thành viên trong và ngoại OPEC đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày đến hết năm 2018 nhằm hạn chế nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu.
BMI Research cho biết: "Việc các nhà khoan dầu Mỹ liên tục gia tăng sản lượng và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2018 vẫn là những trở ngại chính đối với đà phục hồi của giá dầu".
Trong cuộc họp chính sách của lãnh đạo OPEC vào tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cho biết, OPEC và các đồng minh đã đạt được sự đồng thuận về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm đến hết tháng 12/2018.
Bộ trưởng al-Falih cho biết thêm, Libya và Nigeria đã đồng ý áp dụng mức hạn ngạch sản lượng năm 2017 cho năm tới.
Các nước tham gia thỏa thuận cũng phát tín hiệu có thể kết thúc thỏa thuận sớm hơn dự kiến nếu thị trường dầu toàn cầu có dấu hiệu quá thắt chặt nguồn cung.
Theo Bộ trưởng al-Falih, OPEC sẽ đánh giá về hiệu quả của thỏa thuận trong cuộc họp định kỳ của tổ chức này vào tháng 6/2018.
OPEC và Nga chiếm khoảng 40% sản lượng dầu toàn cầu. Việc lần đầu tiên Nga hợp tác thực sự với OPEC đã giúp giảm khoảng 50% lượng dầu dư thừa trên thị trường toàn cầu từ đầu năm đến nay.
Ngân hàng Goldman Sachs đánh giá OPEC đang cho thấy "cam kết mạnh mẽ đối với việc đưa lượng dầu tồn kho về mức bình thường".
Tuy nhiên, Nga bày tỏ lo ngại rằng việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể dẫn tới việc tăng mạnh sản lượng dầu thô tại Mỹ, nước vốn không tham gia thỏa thuận này.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng khai thác dầu của nước này đã đạt mức kỷ lục 9,68 triệu thùng trong tuần trước.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu của nước này đã tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9, gần bằng mức cao nhất 9,6 triệu thùng/ngày đạt được hồi tháng tháng 4/2015.
Công ty Dầu khí quốc doanh của Malaysia Petronas dự đoán nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày trong năm tới, phần lớn đến từ châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc. Petronas dự tính giá dầu sẽ duy trì ở  mức từ 50-60 USD/thùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần