Giá dầu giảm hơn 1% do tâm lý lo ngại dư thừa nguồn cung

Phương Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ WTI mất 1,7%, giá dầu Brent giảm 0,6% trong bối cảnh thị trường đang lo ngại các nhà sản xuất dầu tại Mỹ tiếp tục tăng sản lượng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Thị trường dầu chứng kiến 3 phiên tăng giá trong tuần, nhưng tính chung cả tuần, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI vẫn giảm 1,7%, giá dầu Brent mất 0,6%.
Trong phiên giao dịch đầu tuần (4/12), giá dầu thế giới giảm hơn 1% do các nhà đầu tư đẩy mạnh bán để chốt lời sau những phiên tăng liên tiếp.
 Dầu ngọt nhẹ WTI giảm hơn 1% trong tuần.
Tuần trước, giá dầu đã được hưởng lợi khi OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, bao gồm Nga,  nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018 nhằm chấm dứt tình trạng dư cung kéo dài trên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng trước báo cáo cho thấy sản lượng khai thác dầu của Mỹ tăng lên 9,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9. 
Bước sang phiên ngày 5/12, giá dầu phục hồi nhờ nhu cầu tăng cao và hiệu ứng của quyết định kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà các thành viên trong và ngoài OPEC hồi cuối tháng 11.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI trong phiên giao dịch ngày 6/12 lại ghi nhận mức giảm mạnh nhất tính theo ngày trong hơn 2 tháng qua. Theo số liệu chính thức, lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất dầu mỏ của Mỹ đã tăng lên 1,7 triệu thùng, vượt dự đoán được đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Xu hướng gia tăng sản lượng dầu của Mỹ có thể làm suy yếu những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu khác. 

Trong phiên giao dịch ngày 7/12, giá dầu quay đầu tăng hơn 1% giữa bối cảnh các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào sau đợt lao dốc trong phiên trước đó và quan ngại về đợt đình công của công nhân ngành dầu mỏ Nigieria.
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần (8/12), trước dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ tại Trung Quốc gia tăng.
Giá dầu tăng trong ngày 7/12 do quan ngại về đợt đình công của công nhân ngành dầu mỏ Nigieria.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex tiến 67 xu Mỹ, tương đương 1,2%, lên 57,36 USD/thùng, nhưng vẫn sụt 1.7% trong tuần qua.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn cộng 1,20 USD, tương đương 1,9%, lên 63,40 USD/thùng. Tuần qua,mặt hàng dầu này đã giảm 0,6%.
Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích nghiên cứu tại FXTM, nhận định, làn sóng mua vào trên thị trường cùng với nỗi lo về một cuộc đình công lớn trong ngành dầu mỏ Nigeria đã giúp giá dầu tăng trở lại. Hiện Nigeria là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi.
Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS Wealth Management, phân tích: “Giá dầu cũng nhận được hỗ trợ vào ngày thứ Sáu, khi dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho biết nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng mạnh”.
Theo thống kê của cơ quan hải quan Trung Quốc, trong tháng 11, lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc đã tăng lên 9,01 triệu thùng/ngày từ mức 7,3 triệu thùng/ngày trong tháng 10.
Theo đó, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới trong năm nay, các chuyên gia tại Commerzbank dự báo.
Trong khi đó, một khảo sát của S&P Global Platts hôm 7/12 cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 11 giảm về mức thấp nhất trong 6 tháng, còn 32,35 triệu thùng/ngày.
Tuy vậy, theo Otunuga, với mức tăng bất ngờ của tồn kho các sản phẩm hóa dầu của Mỹ trong tuần trước, thị trường dầu toàn cầu vẫn lo ngại về tình trạng dư cung. Bên cạnh đó, sản lượng dầu ở Mỹ vẫn liên tục tăng, làm giảm hiệu quả các nỗ lực của OPEC trong việc tái cân bằng thị trường.
Số liệu của Baker Hughes cho thấy số giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ tăng thêm 2 lên tổng số 751 trong tuần này. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp số giàn khoan tăng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần