Giá dầu giảm mạnh do quan ngại Nga-Saudi bất đồng về thỏa thuận giảm sản lượng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu sụt giảm trong phiên 28/5 khi thị trường cảm thấy Nga đã gửi tín hiệu khó đoán định trước thềm cuộc họp của OPEC+.

Thị trường dầu mỏ chứng kiến phiên giảm giá trong ngày 28/5 trong bối cảnh lượng tồn kho dầu của Mỹ cao hơn mức dự báo đã lấn át triển vọng nhu cầu dầu mỏ được cải thiện sau khi nhiều nước tái khởi động nền kinh tế.
 Giá dầu giảm mạnh trong phiên 28/5.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ lao dốc 5% ngay đầu phiên giao dịch, còn 31,14 USD/thùng, song cuối phiên thu hẹp đà giảm khi hạ 97 xu Mỹ, tương đương 3%, được giao dịch ở mức 31,84 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giảm khoảng 78 xu Mỹ, tương đương 2,3%, xuống còn 33,96 USD/thùng.
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy lượng tồn kho dầu của nước này trong tuần trước (tính đến ngày 22/5) tăng 8,7 triệu thùng, cao hơn nhiều do với dự báo chỉ tăng 1,9 triệu thùng của các nhà phân tích.
Dữ liệu định kỳ hàng tuần về nguồn cung dầu tại Mỹ sẽ được công bố muộn hơn 1 ngày so với bình thường trong tuần này, do nghỉ lễ Tưởng niệm (Memorial Day) hôm 25/5. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo số liệu vào sáng 28/5.
Giá “vàng đen” suy yếu trong phiên này cũng do chịu áp lực từ căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump có hàm ý phản đối Trung Quốc liên quan tới kế hoạch ban hành luật an ninh mới ở Khu Hành chính Đặc biệt Hồng Kông.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tác động tới hoạt động kinh doanh và nhu cầu dầu mỏ vốn đã sụt giảm mạnh do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ cũng chịu sức ép khi các thương nhân hoài nghi về việc Nga sẽ nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, dự kiến diễn ra vào 9 - 10/6 tới.
Ông Lachlan Shaw - nhà nghiên cứu chính hàng hóa của Ngân hàng Quốc gia Australia, nhận xét: “Nhu cầu đối với dầu mỏ đang được cải thiện, song yếu tố này chưa đủ mạnh để duy trì đà phục hồi của giá dầu trong phiên giao dịch này”.
Chuyên gia Shaw cho rằng giá dầu sụt mạnh trong phiên một phần do sự hoài nghi về sự hợp tác chặt chẽ giữa Nga với Ả Rập Saudi trong chính sách điều hành sản lượng dầu mỏ, mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả Rập Saudi Arabia Mohammed bin Salman hôm 27/5 đã nhất trí "phối hợp chặt chẽ" hơn nữa về hạn chế sản lượng dầu mỏ.
Các thương nhân chờ đợi xem dữ liệu dự kiến được Cơ quan Năng lượng Mỹ công bố trong ngày 28/5 liệu có khớp với báo cáo của API hay không.
Với việc giá dầu WTI đang phục hồi về ngưỡng hơn 30 USD/thùng, các nước OPEC+ đang lo ngại các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ sẽ sớm tăng tốc hoạt động khai thác trong thời gian tới.
Ngoài ra, dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây áp lực lên giá dầu thô. 
Các nhà kinh tế ước tính sẽ có thêm 2 triệu người Mỹ nộp đơn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp vào tuần trước.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cũng cảnh báo kinh tế Khu vực đồng euro có khả năng giảm từ 8% đến 12% trong năm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần