Giá dầu giảm mạnh nhất trong 5 tuần do lo ngại kinh tế thế giới suy thoái

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” ghi nhận tuần giảm giá đầu tiên trong 3 tuần, với giảm giá dầu WTI 1,6% và dầu Brent 0,8% trước những lo ngại về kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Trong khi nhà đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ suy yếu do kinh tế toàn cầu chững lại, quyết định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến tháng 3/2020, cùng với căng thẳng tại Trung Đông cũng không mang lại sự hỗ trợ đáng kể cho thị trường dầu mỏ.
Tuần qua, giá dầu WTI sụt 1,6% và dầu Brent mất 0,8%. 
Trong phiên giao dịch ngày 1/7, giá dầu thế giới tăng sau khi có tin OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, được gọi là nhóm OPEC+, sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Thỏa thuận hòa hoãn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là nhân tố quan trọng mang lại sự hứng khởi cho thị trường "vàng đen" trong phiên này.
Tuy nhiên, giá dầu lại giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 2/7, cho dù nhóm OPEC+ tuyên bố gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng. Dữ liệu yếu về ngành sản xuất toàn cầu khiến giới đầu tư lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế giảm tốc sẽ làm nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi.
Kết thúc cuộc họp 2 ngày tại Vienna, Áo, nhóm OPEC+ nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 3/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu. Đây là thỏa thuận giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày mà OPEC đã thực thi trong 6 tháng đầu năm nay.
"Thị trường có vẻ hơi thất vọng một chút khi OPEC không tăng mức cắt giảm sản lượng. Hoặc thị trường cũng có cảm giác rằng nhu cầu tiêu thụ dầu thực sự xấu", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định về nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh phiên ngày 2/7.
Sang phiên ngày 3/7, giá dầu thế giới phục hồi sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó, nhờ số liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ ba liên tiếp. Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm 1,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28/6. Mức giảm này thấp hơn dự báo giảm 3,7 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Thị trường dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nghỉ ngày Quốc khánh 4/7. Đến phiên 5/7, giá dầu thô ngọt nhẹ tương lai quay đầu tăng nhẹ, khi căng thẳng ở Trung Đông ngày càng leo thang, nhưng giá dầu vẫn phải chứng kiến tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần khi nỗi lo về nhu cầu năng lượng chưa dứt.
Bên cạnh đó, sự tăng vọt của đồng USD, sau báo cáo việc làm tại Mỹ mạnh mẽ, đã kìm hãm đà tăng trong phiên của giá dầu WTI.
“Giá dầu khởi sắc trong giữa một trong những tuầy đầy ảm đạm đối với dầu mỏ trong năm nay khi cuộc họp tương đối nhàm chán của OPEC+ đã không thể mang lại bất kỳ sự hỗ trợ ý nghĩa nào cho thị trường”, chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao Robbie Fraser tại Schneider Electric, nhận định.
Chuyên gia Fraser cũng nhận xét thêm: “Sự gia hạn chính thức của OPEC+ dường như đã nhường lại chổ cho những lo ngại ngày càng tăng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đang đóng vai trò trực tiếp hơn trong việc chi phối giá, qua đó khiến các hợp đồng dầu giảm mạnh hồi đầu tuần này.
Chốt phiên ngày 5/7, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 8 tăng 17 xu Mỹ(tương đương 0,3%) lên 57,51 USD/thùng, nhưng vẫn sụt 1,6% trong tuần qua. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 9 cộng 93 xu Mỹ (tương đương 1,5%) lên 64,23 USD/thùng. Tuần qua, giá Brent đã giảm 0.8%.
Giá dầu chứng kiến tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần.
Báo cáo việc làm tại Mỹ tăng cao hơn dự báo công bố hôm 5/7 đã hỗ trợ chỉ số đồng USD chạm mức cao nhất hơn 2 tuần, qua đó gây sức ép đến các hàng hóa được neo giá theo đồng USD và không hoàn toàn dập tắt những lo ngại về kinh tế đang đè nặng lên kỳ vọng nhu cầu năng lượng. Theo các nhà phân tích, báo cáo này củng cố dự báo về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong năm nay, nhưng loại bỏ một số áp lực để FED phải hành động sớm hơn.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 224.000 việc làm trong tháng 6, phục hồi so với tháng trước và mạnh hơn dự báo.
Nỗi lo về kinh tế toàn cầu đã dẫn đến biến động trong giao dịch trên các thị trường dầu mỏ trong phần lớn các phiên giao dịch trong tuần này. Quyết định tiếp tục cắt giảm sản xuất dầu mỏ của OPEC hôm 1/7 được đưa ra khi các bộ trưởng năng lượng muốn kiểm soát chặt chẽ rủi ro đối với nhu cầu do các xung đột thương mại toàn cầu và căng thẳng leo thang giữa Iran và phương Tây.
Trong khi đó, sản lượng dầu của OPEC trong tháng 6 đã chạm mức đáy mới trong 5 năm khi sự gia tăng nguồn cung của Ả Rập Saudi  không thể bù đắp đà sụt giảm ở Iran và Venezuela do các lệnh trừng phạt của Mỹ và việc ngừng hoạt động ở các nơi khác, theo một cuộc thăm dò của Reuters.