Giá dầu giảm theo thị trường chứng khoán toàn cầu

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 10/12 do chịu tác động từ đà lao dốc trên thị trường chứng khoán thế giới.

Cùng với đà giảm sâu của chứng khoán châu Á và Phố Wall, thị trường dầu mỏ thế giới diễn biến kém khởi sắc trong phiên này, đánh mất đà phục hồi mạnh mẽ trong tuần trước nhờ việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đồng ý giảm sản lượng từ tháng 1/2019.
Giá dầu giảm trong phiên 10/12.
Cụ thể, giá dầu Brent  sụt 1,02 USD, xuống còn 60,65 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng giảm 98 xu Mỹ, được giao dịch ở mức 51,63 USD/thùng.
Trước đó, kết thúc phiên họp chính sách tại Vienna, Áo hôm 7/12, OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã nhất trí cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ ngày -  cao hơn nhiều kỳ vọng trước đó của thị trường.
Theo thỏa thuận mới đạt được, từ tháng 1/2019, các nước sản xuất dầu mỏ OPEC sẽ chính thức cắt giảm sản lượng khai thác mỗi ngày 800.000 thùng tổng cộng so với mức của tháng 10 vừa qua, trong khi các nước ở ngoài OPEC sẽ cắt giảm 400.000 thùng mỗi ngày. Tới tháng 4/2019, các bên sẽ nhóm họp để đánh giá kết quả.
Giá dầu thế giới đã tăng 3% ngay sau khi đón nhận thông tin tích cực từ cuộc họp về chính sách kiểm soát thị trường dầu mỏ của các thành viên trong và ngoài OPEC.
Nhà chiến lược về hàng hóa Bjarne Schieldrop của SEB nhận định: “Những nước thành viên OPEC và các đồng minh đã thống nhất quan điểm là không muốn chứng kiến lượng tồn kho dầu mỏ tiếp tục tăng cao hơn nữa, song họ vẫn có thể bất đồng về giá dầu hoặc quy mô cắt giảm sản xuất nhiên liệu”.
Trong phiên ngày 10/12, giá năng lượng chịu ảnh hưởng từ việc thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm điểm do tâm lý lo ngại tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại. Các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/12 sau khi Trung Quốc công bố số liệu thương mại thấp hơn rất nhiều so với dự báo hồi cuối tuần trước.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm gần 8% tính đến thời điểm hiện tại do chịu tác động tiêu cực xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Bên cạnh đó, việc nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu liên tục tăng mạnh trong năm nay, đặc biệt từ Mỹ, Ả Rập Saudi và Nga - 3 nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới, đã khiến các nhà phân tích thận trọng hơn trước triển vọng nhu cầu dầu trong dài hạn.
“Nguồn cung dầu từ Mỹ bùng nổ trong những những tháng qua là một yếu tố cần thận trọng”, Ngân hàng Merrill Lynch Mỹ lưu ý trong thông báo gửi khách hàng trong ngày 10/12.
Giá dầu đã giảm mạnh kể từ tháng 10 trong bối cảnh xuất hiện các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu, với giá dầu Brent mất gần 30% giá trị.
Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) nhận định việc các nước OPEC cùng với Nga cắt giảm sản lượng khai thác nhiều kỳ vọng sẽ là đủ lớn để góp phần cân bằng thị trường trong 6 tháng đầu năm 2019 và ngăn dự trữ dầu tăng lên. Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt 67,5 USD/ thùng vào quý II/2019.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần