Giá dầu khởi sắc trong tuần do căng thẳng leo thang tại Trung Đông

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình bất ổn ở Trung Đông giúp đẩy giá dầu leo dốc trong phần lớn các phiên giao dịch trong tuần. Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI nhích 2 xu và giá dầu Brent tăng 1%.

Tuy nhiên, nguy cơ sản lượng đầu đá phiến của Mỹ tăng cao đã thu hẹp biên độ tăng của giá dầu trong phiên cuối tuần, khiến mức phục hồi giá trong cả tuần trở nên khiêm tốn hơn.
Giá dầu thô ở phiên cuối tuần tiếp tục đi lên do căng thẳng địa chính trị tại Iraq tiếp tục leo thang, cụ thể là xung đột giữa quân đội Iraq và người Kurd.
Thị trường dầu hưởng lợi từ bất ổn ở Trung Đông.
Lượng dầu xuất khẩu từ khu vực Kurd sang cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ ngày thứ Sáu chỉ đạt 216.000 thùng/ngày so với mức bình thường là 600.000 thùng/ngày.
Trong phiên đầu tuần, giá dầu thế giới tăng khoảng 1%, trong bối cảnh quân đội Iraq bắt đầu chiến dịch giải phóng thành phố giàu tài nguyên dầu mỏ Kirkuk của nước này vốn đang thuộc sự kiểm soát của lực lượng người Kurd.
Chiến dịch giải phóng thành phố Kirkuk được triển khai sau khi chính quyền Khu tự trị người Kurd ngày 25/9 vừa qua tiến hành trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực này. Chính phủ Iraq khẳng định cuộc trưng cầu này là vi hiến.
Trong khi đó, sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Iran có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 13/10. Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để đưa ra quyết định liệu có tái áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Các nhà phân tích thị trường cho rằng khả năng Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đã được dỡ bỏ với Tehran sẽ đẩy giá dầu đi lên. Mặc dù các chính sách và trừng phạt mạnh mẽ hơn của chính quyền Trump sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng, song các chuyên gia tin rằng lệnh trừng phạt có thể gây hậu quả trong dài hạn.
Sang 18/10, giá dầu thô của Mỹ chạm đỉnh trong ba tuần qua do nhận được lực đẩy quan trọng từ lượng tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh và tâm lý lo ngại tình hình căng thẳng ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung. Các thương nhân cho biết, các yếu tố chính đẩy giá dầu tăng mạnh là sự sụt giảm tồn kho dầu thô của Mỹ, xung đột giữa Chính phủ Iraq với lực lượng người Kurd và căng thẳng Mỹ-Iran có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thế giới.
Viện Dầu mỏ Mỹ API ngày 17/10 cho biết tồn kho dầu thô của nước này giảm 7,1 triệu thùng trong tuần trước tính đến ngày 13/10, xuống còn 461,4 triệu thùng.
Số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần qua đã giảm 7 giàn, còn 736 giàn.
Giá “vàng đen” đảo chiều mất giá, dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp trong ngày 19/10. Phát biểu tại hội nghị ở London, Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Mohammad Barkindo, cho biết thị trường dầu mỏ đang cân bằng với “tốc độ nhanh” và nhu cầu sẽ tiếp tục nhanh chóng tăng cao trong những thập kỷ tới.
Sang phiên cuối tuần, các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhẹ khi nhà đầu tư cân nhắc về những nỗ lực của OPEC để tiến tới một thị trường cân bằng hơn và tỏ ra hoài nghi về khả năng leo dốc của sản lượng dầu từ đá phiến tại Mỹ. Tuy nhiên, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã giảm 3 tuần liên tiếp, qua đó giúp làm dịu những lo lắng về đà leo dốc của sản lượng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/10, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex, vốn hết hạn vào ngày thứ Sáu, tăng 18 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 51.47 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này chỉ nhích 2 xu. Hợp đồng dầu WTI giao tháng 12 cộng 33 xu Mỹ (tương đương 0,6%) lên 51.84 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent tăng 52 xu Mỹ (tương đương 0,9%) lên 57.75 USD/thùng, qua đó nâng tổng mức tăng trong tuần lên 1%.
Theo báo cáo hàng tuần của từ Baker Hughes cho biết, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần qua đã giảm 7 giàn, còn 736 giàn.

Tuy nhiên, Adrienne Murphy, Giám đốc phân tích thị trường tại AvaTrade, nhận định rằng khi giá dầu dang hướng tới mốc 60 USD/thùng, nhà đầu tư sẽ tỏ ra thận trọng với các nhà sản xuất dầu từ đá phiến tại Mỹ, khi họ có thể gia tăng sản xuất và khiến thị trường tiếp tục dư cung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần