Giá dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 72 USD/thùng, leo dốc tuần thứ hai liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 72 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2019 và chốt tuần tăng thứ hai liên tiếp.

Giá “vàng đen” tiếp tục tăng nhẹ trong phiên ngày 4/6, vượt mốc 72 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2019, nhờ cam kết giảm nguồn cung của các nhà sản xuất dầu chủ chốt, và phục hồi nhu cầu lấn át lo ngại về việc triển khai tiêm vaccine Coivd-19 không đồng đều trên toàn cầu.
 Giá dầu Brent vọt lên hơn 72 USD/thùng, ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp. Ảnh: Reuters
Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, hôm 1/6 quyết định thực hiện kế hoạch kiểm soát nguồn cung như đã thống nhất. Một báo cáo nguồn cung định kỳ vào ngày 3/6 cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tuần trước.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/6, giá dầu Brent tăng 58 xu Mỹ, tương đương 0,8% lên 71,89 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, giá mặt hàng dầu này đã đạt mức cao nhất là 72,17 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cộng 81 xu Mỹ, tương đương 1,2%, lên 69,62 USD, có thời điểm nhảy vọt lên đến 69,76 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018.
“Sau nhiều lần điều chỉnh, dầu Brent đã đạt được mức giá lý tưởng trên 70 USD. Mùa hè và việc tái mở cửa kinh tế toàn cầu đã tác động tích cực đến nhu cầu dầu trong nửa cuối năm nay” - chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM nhận xét.
Tính chung trong tuần, giá dầu Brent đạt mức tăng 3,2%, còn giá dầu WTI nhảy vọt 5%. Đây là tuần tăng thứ hai liên tiếp của cả hai mặt hàng dầu chủ chốt này.
Thị trường nhiên liệu giao dịch khởi sắc trong tuần qua nhờ được hỗ trợ từ thông tin cho thấy dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh. Theo dữ liệu được Cơ quan Dầu khí Mỹ công bố ngày 3/6, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm hơn 5 triệu thùng trong tuần trước.
Cũng góp phần thúc đẩy giá dầu tăng mạnh trong tuần này là tiến triển chậm lại trong đàm phán giữa Washington và Tehran về Thỏa thuận Hạt nhân Iran, từ đó làm giảm khả năng nguồn cung dầu từ Iran sẽ tăng nhanh.
Nhà phân tích thị trường cao cấp Edward Moya của trung tâm OANDA cho biết: “Thị trường năng lượng sẽ tiếp tục chịu tác động từ kết quả của các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran vào tuần tới”.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng nhảy vọt trong phiên cuối tuần sau khi báo cáo việc làm tại Mỹ cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm được 559.000 việc làm trong tháng 5 vừa qua. Đồng bạc xanh suy yếu sau báo cáo này, qua đó làm dầu trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác và tạo lực đẩy quan trọng cho giá dầu.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong ngày 4/6 cũng bị hạn chế phần nào bởi lo ngại về việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 không đồng đều trên toàn cầu. Nhu cầu dầu mỏ khởi sắc và tốc độ tiêm vaccine nhanh chóng ở nhiều quốc gia như Mỹ đã thúc đẩy giá dầu. Trong khi đó, sự chậm chạp trong việc tiêm vaccine và số ca nhiễm Covid-19 tăng cao ở Ấn Độ và Brazil đang tác động tiêu cực đến đà phục hồi nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới.
Dẫu vậy, nhà phân tích thị trường dầu mỏ Louise Dickson của Rystad Energy nhận định lạc quan: “Mức độ phục hồi nhu cầu nhiên liệu diễn ra không đồng đều trên toàn cầu, nhưng hiện tại dường như không có bất kỳ lực cản nào có thể đảo ngược đà tăng của giá dầu nhờ nhu cầu mạnh mẽ trong mùa hè này”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần