Giá dầu lao dốc 7% trong tuần do căng thẳng Nga - Mỹ leo thang

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù phục hồi phiên thứ Sáu, giá dầu vẫn chứng kiến tuần giảm sốc 7% do chịu áp lực từ làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu và căng thẳng Mỹ - Nga gia tăng.

Trong phiên đầu tuần 15/3, giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống dù số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp và hoạt động lọc dầu tại Trung Quốc tăng.
Đà giảm giá trên thị trường vàng đen” kéo dài sang phiên 16/3 do các nhà đầu tư lo ngại về tốc độ phục hồi nhu cầu trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại nhiều nước châu Âu tăng đột biến.
Giá dầu lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp trong ngày 17/3, chịu tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên mức lãi suất chủ chốt gần 0% và dự báo sẽ không tăng lãi suất cho đến năm 2023.
Giá dầu lao dốc 7% trong tuần do căng thẳng Nga - Mỹ leo thang.
Sang phiên giao dịch ngày 18/3, giá dầu giảm sốc tới 7% và chứng kiến phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Nguyên nhân khiến giá dầu giảm mạnh trong phiên này là do nhà đầu tư lo ngại về tiến độ thực hiện tiêm chủng ngừa Covid-19 ở châu Âu và căng thẳng Mỹ - Nga gia tăng.
Đợt giảm giá liền 5 phiên là chuỗi dài nhất đối với dầu Brent kể từ tháng 9/2020 và đối với dầu ngọt nhẹ WTI kể từ tháng 2/2020. "Căng thẳng Mỹ - Nga đang gia tăng. Mỹ đe dọa áp lệnh trừng phạt lên Nga. Có một cách mà Nga có thể dùng để trả đũa Mỹ là bơm mạnh dầu ra thị trường để khiến các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ gặp khó khăn” - chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures nói với trang MarketWatch.
Mặc dù giá dầu quay đầu tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 19/3, nhưng vẫn mất gần 7% trong tuần này do làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu làm suy giảm kỳ vọng vào sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Cụ thể, chốt phiên ngày 19/3, giá dầu Brent tăng 1,25 USD/thùng, tương đương 2%, lên mức 64,53 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 1,42 USD, khoảng 2,4%, lên 61,42 USD/thùng.
Trong phiên ngày 18/3, giá dầu giảm sốc 7% khi một loạt nền kinh tế lớn ở châu Âu áp lệnh phong tỏa để ứng phó với làn sóng lây nhiễm Covid mới giữa lúc chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của khu vực này bị gián đoạn.
Giá dầu quay đầu đi lên trong phiên cuối tuần chủ yếu nhờ các thương nhân nhận định rằng dầu đã bị bán quá tay trong phiên trước đó.
Nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group ở Chicago cho biết, phiên bán tháo hôm 18/3 sẽ đẩy lui một số nhân tố gây sức ép đối với đà phục hồi của giá dầu trong những tuần gần đây.
"OPEC sẽ lo lắng hơn về Covid-19, vì vậy tổ chức này có thể sẽ tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Giá dầu giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến nỗ lực đẩy mạnh hoạt động khai thác của các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ” - nhà phân tích Phil Flynn nhận xét.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã làm gia tăng mạnh nguồn cung dầu toàn cầu giữa lúc nhu cầu đối với năng lượng sụt giảm do đại dịch Covid-19. Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, các công ty khai thác dầu của Mỹ đã bổ sung 9 giàn khoan trong tuần này, mức tăng lớn nhất trong 1 tuần kể từ tháng 1/2021.
Hiện lực cản lớn nhất đối với đà đi lên của giá dầu là lo ngại về chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19.
Theo thông báo mới nhất, Đức, Pháp và một số quốc gia khác đã nối lại việc tiêm vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca sau khi cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu khẳng định vaccine này an toàn. Tuy nhiên, việc vaccine này bị tạm dừng tiêm trong tuần trước đã khiến tâm lý ngại tiêm phòng Covid của người dân nhiều nước gia tăng.
Bên cạnh đó, Anh tuyên bố sẽ phải giảm tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trong tháng 4 tới do sự chậm trễ về nguồn cung vaccine.
Trong một báo cáo công bố ngày 19/3, ngân hàng Goldman Sachs nói rằng “cơn gió ngược” liên quan đến nhu cầu tiêu thụ của châu Âu và nguồn cung từ Iran sẽ làm chậm quá trình tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu trong quý II năm nay. Dù vậy, Goldman kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh sẽ hành động để thu hẹp sự chênh lệch giữa nguồn cung và nhu cầu, có thể bằng cách tiếp tục cắt giảm nguồn cung.
Trong những tháng gần đây, Iran đã xuất khẩu lượng dầu thô lớn kỷ lục sang Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất của Tehran. Các nhà máy lọc dầu quốc gia của Ấn Độ cũng đưa dầu thô Iran vào kế hoạch nhập khẩu hàng năm vì cho rằng lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran sẽ sớm được nới lỏng.
Ngân hàng Goldman cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh trong những tháng sắp tới, đồng thời nâng dự báo giá dầu Brent trong mùa hè năm nay lên mức 80 USD/thùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần