Giá dầu lao dốc do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/4, giá năng lượng giảm mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế mới với Trung Quốc đã gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Giá dầu suy yếu trong phiên giao dịch ngày 6/4 trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có xu hướng leo thang. Ngày 5/4, Tổng thống Trump đã chỉ đạo các quan chức thương mại xem xét áp thêm 100 tỷ USD thuế mới với Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh “đáp trả không công bằng”, thay vì chấp nhận hạ nhiệt căng thẳng.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong tuần này.
Sau khi Tổng thống Mỹ yêu cầu giới chức thương mại nước này gia tăng áp lực thuế quan với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, Bắc Kinh ngày 6/4 cảnh báo sẽ đáp trả “bằng mọi giá” với những biện pháp mới để bảo vệ lợi ích của nước này nếu Mỹ tiếp tục các biện pháp bảo hộ thương mại của mình.
Trước đó, ngày 3/4, Mỹ đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung do "các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh liên quan việc Trung Quốc "cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ." Căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington leo thang hồi đầu tuần này, sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất tăng 25% thuế đối với 1.300 sản phẩm công nghiệp và các sản phẩm khác của Trung Quốc.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 6 giao dịch ở mức 68,33 USD/thùng, giảm 66 xu Mỹ so với phiên giao dịch ngày 5/4. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ kỳ hạn tháng 5 giảm 15 xu Mỹ xuống 63,39 USD/thùng. Giá hai mặt hàng nhiên liệu này sắp chứng kiến tuần lao dốc nhiều nhất kể từ đầu tháng 3.
Stephen Innes - Giám đốc giao dịch châu Á - Thái Bình Dương tại công ty môi giới kỳ hạn OANDA tại Singapore cho biết bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến giá “vàng đen” đánh mất đà tăng  đạt được trong những tuần qua.
Tuy nhiên, một số thông tin tích cực đã hạn chế đà suy giảm của giá “vàng đen” trong  ngày 6/4. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 5/4 cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước, trong khi giới phân tích dự đoán tăng 246.000 thùng.
Giá dầu giảm mạnh trong ngày 6/4.
Theo nhà phân tích Innes nhận định: “Tồn kho dầu Mỹ vẫn là một đánh giá dễ thay đổi, nhưng vẫn cung cấp một bài kiểm tra tốt đối với thị trường năng lượng trong ngắn hạn”.
Ngoại ra, Ả Rập Saudi cho biết họ sẽ nâng giá bán chính thức giao tháng 5 cho các khách hàng châu Á. Ngân hàng ANZ đánh giá rằng động thái này cho thấy Ả Rập Saudi cũng chưa muốn chấm dứt sớm thỏa thuận cắt giảm sản lượng của  Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Tổ chức OPEC và một số nhà sản xuất chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã cam kết cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày đến hết năm 2018 trong một nỗ lực xóa dư cung toàn cầu và hỗ trợ giá dầu. Ả Rập Saudi cho biết việc cắt giảm sản lượng có thể kéo dài dưới một hình thức khác.
Trả lời phóng vấn hãng tin Reuter (Anh) ngày 6/4, Bộ trưởng Năng lượng Qatar Mohammed al-Sada nói rằng các thành viên trong và ngoài OPEC nên duy trì thỏa thuận cắt giảm để đảm bảo mức giá vững như một cách thúc đẩy đầu tư trong ngành, tránh sốc giá và nguồn cung trong dài hạn.
Thị trường Thượng Hải đóng cửa trong ngày 6 và 7/4, sau khi giảm 0,8% trong ngày 4/4.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần