Giá dầu lao dốc sau tuyên bố sốc về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung của ông Navarro

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu sụt giảm trong phiên 23/6 do chịu tác động từ thông tin trái chiều về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.

Thị trường năng lượng biến động trước lời bình luận bất ngờ của Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro khi ông nói rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã “kết thúc”.
Giá dầu giảm trước thông tin trái chiều liên quan đến thỏa thuận thương mại Mỹ -Trung giai đoạn 1.
Cụ thể, giá dầu Brent chốt phiên hạ 7 xu Mỹ, tương đương 0,1%, xuống 43,01 USD/thùng sau trượt sâu xuống còn 42,21 USD. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 14 xu Mỹ, tương đương 0,3%, giao dịch ở mức 40,59 USD/thùng, sau khi giảm xuống mức thấp 39,76 USD.
Đà lao dốc của giá dầu được hạn chế phần nào trong phiên giao dịch này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump viết dòng tweet nói rằng thỏa thuận thương mại Trung Quốc vẫn còn “nguyên vẹn”, đồng thời bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các điều khoản của thỏa thuận.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News, ông Navarro nói rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã “kết thúc”, liên kết sự đổ vỡ một phần với việc Bắc Kinh không đưa ra cảnh báo về sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Sau phát biểu gây tâm lý hoang mang trên thị trường tài chính và hàng hóa, ông Navarro đã ra thông báo đính chính nói rằng ý ông là “nói về việc thiếu sự tin tưởng” với Chính phủ Trung Quốc và nhấn mạnh thỏa thuận thương mại Mỹ -Trung giai đoạn 1 vẫn còn hiệu lực.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát từ TP Vũ Hán của Trung Quốc bùng phát mạnh tại Mỹ. Tổng thống Trump và chính quyền Washington nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh không minh bạch thông tin liên quan đến dịch Covid-19.
Nhà phân tích thị trường hàng hóa cấp cao Edward Moya của công ty môi giới OANDA nhận định: “Dù ông Navarro lên tiếng đính chính thông tin về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, song các thương nhân vẫn lo ngại về thỏa thuận thương mại giữa Bắc Kinh và Washington nếu phía Trung Quốc không sớm thực hiện đúng cam kết về việc mua thêm hàng nông sản Mỹ.
Giá “vàng đen” đã phục hồi trong thời gian gần đây với việc nhiều bang ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới mở cửa trở lại giúp thúc đẩy giá “vàng đen” tăng, do nhu cầu về nhiên liệu quay trở lại.
Mặc dù giá dầu đi xuống trong phiên này, thị trường năng lượng vẫn nhận được sự hỗ trợ tiếp tục đi lên trong những phiên sắp tới, bao gồm tình hình căng thẳng ở Trung Đông cùng với thông tin lượng giàn khoan dầu ở Mỹ và Canada giảm xuống mức thấp mới.
Liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu tại Yemen hôm 23/6 cho biết họ đã chặn được 3 tên lửa đạn đạo do lực lượng Houthis thực hiện tấn công các TP Najran và Jizan của Riyadh.
Theo số liệu hàng tuần của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ trong tuần trước đã giảm 10 giàn khoan, xuống còn 189 - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009.
Bên cạnh đó, triển vọng về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối bao gồm Nga (còn gọi là OPEC+) sẽ tuân thủ nghiêm túc cam kết cắt giảm sản lượng theo kế hoạch để cân bằng thị trường cũng đang hỗ trợ cho giá dầu./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần