Giá dầu giảm mạnh trước lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục kéo dài

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá “vàng đen” đi xuống trong phiên ngày 12/8 do dự báo tăng trưởng nhu cầu yếu hơn trước những lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, giá dầu Brent tương lai giảm 53 xu Mỹ, xuống mức 58,00 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ được giao dịch ở ngưỡng 53,69 USD/thùng, sụt 81 xu Mỹ so với phiên trước đó.Giá 2 mặt hàng dầu chủ chốt này đều lao dốc trong tuần trước, với dầu Brent để mất hơn 5% giá trị, còn dầu WTI giảm 2%. 
Giá dầu Brent tương lai giảm 53 xu Mỹ, xuống mức 58,00 USD/thùng trong phiên 12/8.
Chiến lược gia hàng hóa  Michael Tran tại RBC Capital Markets nhận định: “Giá dầu giảm trong phiên này trước áp lực từ các dự báo nhu cầu thấp được đưa ra trong tuần trước và tình hình kém lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. 
Theo ông Michael Tran, mặc dù nguồn cung tại Trung Đông có nguy cơ bị gián đoạn do leo thang căng thẳng Mỹ - Iran, giá dầu vẫn liên tục giảm mạnh trong những tuần gần đây và đang ở mức thấp trong nhiều năm.
Số giàn khoan dầu hàng tuần của Mỹ, chỉ dấu để đo lường sản lượng dầu tương lai, đã giảm tuần thứ 6 liên tiếp do các nhà sản xuất cắt giảm chi tiêu cho hoạt động khoan mới. 
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã làm chao đảo các thị trường chứng khoán trong tuần trước, trong khi lượng dầu thô dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng đã gây thêm sức ép đi xuống đối với giá dầu, vốn đã giảm khoảng 20% từ mức đỉnh của năm 2019 đạt được hồi tháng Tư. 
Goldman Sachs ngày 11/8 cho rằng những lo ngại về nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây ra một cuộc suy thoái đang gia tăng và nhận định hai nước sẽ khó đạt thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020. 
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/8 cho biết ông chưa sẵn sàng ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và thậm chí còn hoài nghi về kết quả của một vòng đàm phán thương mại mới dự kiến diễn ra trong tháng 9 tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 9/8 cho biết, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu tăng chậm lại và cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài hơn 1 năm qua đã khiến nhu cầu dầu toàn cầu tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. IEA cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2019 và 2020 xuống lần lượt là 1,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày. 
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Khaled al-Fadhel hôm 12/8 nói rằng những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu gây áp lực lên giá dầu đã bị thổi phồng, đồng thời nhận định nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng trong nửa cuối năm nay, giúp giảm dần lượng dầu tồn kho.
Trước đó, hồi tháng 7, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga, đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung đến tháng 3/2020 để vực dậy giá dầu.
Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, đã cắt giảm sản lượng dầu mỏ nhiều hơn hạn ngạch theo thỏa thuận. Các nhà phân tích cho rằng các nước trong và ngoài OPEC cần giảm nguồn cung nhiều hơn để hỗ trợ giá dầu do triển vọng nhu cầu suy yếu và tăng trưởng sản lượng từ các nước ngoài OPEC vào năm tới.
“Nếu việc cắt giảm của OPEC cùng các đồng minh chỉ kéo dài đến năm 2020, giá dầu mỏ sẽ giảm mạnh hơn so với mức hiện tại” - tổ chức Năng lượng Bernstein cho biết trong một lưu ý đưa ra ngày 12/8.
Báo cáo của tổ chức Năng lượng Bernstein cho biết: “Chúng tôi nhận định OPEC cần cắt giảm thêm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày trong năm 2020 nếu liên minh này muốn giữ giá dầu ở mức 60 USD/thùng”./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần