Giá dầu lên cao nhất trong hơn 1 tuần do căng thẳng nguồn cung tại Iran

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chốt phiên 7/8, các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran được xem là mối đe dọa đến nguồn cung toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex tiến 16 xu Mỹ (tương đương 0,2%) lên 69,17 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30/7/2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Giá dầu lên cao nhất trong hơn 1 tuần do căng thẳng Iran.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn London tăng 54 xu Mỹ (tương đương 0,7%) lên 73,75 USD/thùng. Hợp đồng này cũng đóng cửa đạt mức cao nhất trong hơn 1 tuần.
Cả 2 hợp đồng dầu WTI và dầu Brent đều đã tăng 2 phiên trong 3 phiên vừa qua, dao động trong một phạm vi tương đối hẹp.
Robbie Fraser - chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric nhận định: “Hiện nay, chúng ta đang trong môi trường tương tự vài tháng trước, đó là rủi ro địa chính trị đứng đầu danh sách các yếu tố chi phối thị trường của mọi người”.
Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran. Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, nước xuất khẩu gần 3 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7, đã chính thức có hiệu lực từ 11 giờ 01 phút ngày 7/8 (giờ Việt Nam).
Theo đó, nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên được áp đặt trở lại là nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của Iran.
Từ ngày 5/11, Mỹ dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ 2 nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương Iran. 
Các nhà đầu tư dự báo các lệnh trừng phạt này có thể khiến kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Iran mất khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Theo ngân hàng ANZ, động thái trên sẽ khiến nguồn cung dầu giảm khoảng từ 600.000 thùng đến 1,5 triệu thùng/ngày và thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt, bất chấp nỗ lực tăng sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết tác động đến thị trường có thể dịu bớt khi các nhà sản xuất khác có thể bù đắp sự thiếu hụt này. Cuối tháng 6/2018, các nước thành viên OPEC và một số nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã đồng ý sẽ tăng sản lượng sau hơn 1 năm giảm sản lượng. 
Bên cạnh đó, giá dầu trong phiên cũng nhận được lực đẩy từ sản lượng của Ả Rập Saudi bất ngờ sụt mạnh. Báo cáo trong tuần trước cho biết sản lượng dầu thô tại Ả Rập Saudi giảm từ 10,49 triệu thùng trong tháng 6 xuống 10.3 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Dean Popplewell, phó chủ tịch phân tích thị trường tại Oanda, nhận định: “Giá dầu đã khởi sắc sau khi đà sụt giảm sản lượng của Ả Rập Saudi góp phần làm tăng lo ngại thị trường về việc nguồn cung bị thắt chặt”.
Ngoài ra, ngày 7/8, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm 2019 từ 11,8 triệu thùng xuống 11,7 triệu thùng. Hiện EIA cũng dự báo sản lượng dầu nội địa trong năm 2018 giảm từ 10,79 triệu thùng/ngày xuống 10,7 triệu thùng/ngày.
Nhà đầu tư cũng đang hướng đến số liệu cập nhật về nguồn cung xăng dầu tại Mỹ. Theo đó, EIA sẽ công bố dữ liệu định kỳ về nguồn cung dầu thô tại Mỹ trong ngày 8/8.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần