Giá dầu thế giới leo dốc 4 tuần liền nhờ xung đột thương mại Mỹ - Trung lắng dịu

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc trong tuần qua với giá dầu WTI nhích 2,1%, dầu Brent nhảy vọt 3,7%.

Giá dầu ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp trong tuần qua, nhờ triển vọng tích cực trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn của Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng   minh và lượng dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 3,7% còn giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 2,1%.
Trong phiên ngày 23/12, giá “vàng đen” đi lên khi mặt hàng này nhận được hỗ trợ từ tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư rằng thỏa thuận thương mại ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm được ký kết.
 So với mức chốt của 2018, giá dầu Brent hiện tăng hơn 25%.
Giá dầu được hỗ trợ tăng mạnh kể từ khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí về thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" hồi đầu tháng này sau nhiều tháng đàm phán. Ngày 21/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay Washington và Bắc Kinh sẽ “sớm” ký kết một thỏa thuận. Theo thỏa thuận này, Mỹ dự kiến sẽ giảm một số thuế quan, đổi lại Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa nông sản của Mỹ hơn.
Sang phiên 24/12, giá dầu tiếp tục đà tăng sau khi Nga cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với OPEC để cắt giảm nguồn cung.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 23/12 cho biết OPEC và Nga  sẽ tiếp tục hợp tác chừng nào điều này còn mang lại hiệu quả. Trong tháng này OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày kể từ 1/1/2020.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng tăng nhận được lực đẩy sau khi Tổng thống Trump ngày 24/12 cho biết ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một”.
Sau khi đóng cửa nghỉ lễ trong phiên 25/12, giá dầu tăng khoảng 1% lên mức cao nhất trong hơn ba tháng trong phiên giao dịch 26/12, trước những kỳ vọng cuộc thương chiến Mỹ-Trung sẽ sớm kết thúc.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 26/12, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết Bắc Kinh vẫn đang liên hệ chặt chẽ với Mỹ về việc ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”. Theo đó, hai bên vẫn đang tiến hành các thủ tục cần thiết trước khi ký thỏa thuận.
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 2712, chốt ở mức đỉnh của hơn 3 tháng, sau báo cáo cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo.
Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm gần 5,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20/12. Trước đó, giới phân tích dự báo mức giảm 3 triệu thùng.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI tăng 0,04 USD/thùng, đạt 61,72 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 16/9. Tính cả tuần, giá dầu loại này tăng 2,1%.
Tại thị trường London, giá dầu Brent nhích 0,24 USD/thùng, tương đương tăng 0,4%, chốt ở 68,16 USD/thùng. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu WTI trong hơn 3 tháng. Nếu tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 3,7%.
Tuần cuối cùng của năm 2-10 ghi nhận tuần tăng thứ tư liên tiếp của cả dầu Brent và dầu WTI.
Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc The Price Futures Group nói rằng dữ liệu của EIA cho thấy các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đang tăng công suất hoạt động, khiến lượng dầu tồn kho giảm xuống. "Có vẻ như các nhà máy lọc dầu đang gia tăng hoạt động trở lại, điều này hỗ trợ tích cực cho giá dầu", nhà phân tích Flynn nói.
Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư dầu lửa trong phiên này ít nhiều bị ảnh hưởng bởi một bản tin cho thấy tín hiệu các nước OPE cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, liên minh OPEC+, có thể xem xét chấm dứt thỏa thuận hạn chế sản lượng trong 2020.
Nhóm OPEC+ từ đầu năm đến nay thực thi thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu và đã nhất trí sẽ tăng mức cắt giảm sản lượng lên 1,7 triệu thùng/ngày từ quý I/2020.
Trong phiên này, giá "vàng đen" còn tiếp tục được hỗ trợ bởi hy vọng của giới đầu tư rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sẽ sớm được ký kết và một số dữ liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc. Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết lợi nhuận tại các công ty công nghiệp nước này trong tháng 11 tăng mạnh nhất 8 tháng.
Ngoài ra, một báo cáo hàng tuần từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã giảm 8 giàn trong tuần này, còn 677 giàn, đánh dấu tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần. Số lượng giàn khoan hoạt động giảm xuống có thể là một dấu hiệu cho thấy sự giảm nguồn cung dầu trong tương lai.
Nhờ nỗ lực giảm sản lượng của OPEC+, cùng với 3 đợt hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và sự vững vàng tương đối của kinh tế Mỹ, giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong năm 2019, bất chấp triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung phủ bóng.
So với mức chốt của 2018, giá dầu Brent hiện tăng hơn 25%, trong khi giá dầu WTI tăng khoảng 35%./.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần